EU chỉ chấp nhận nhập khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp

“Nhằm thể hiện thiện chí trong đàm phán, Việt Nam tiếp tục đàm phán theo hướng đáp ứng các quy định của Quy chế FLEGT nhưng phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và kiên định nguyên tắc: Không làm khó cho hoạt động SXKD của DN và hộ gia đình…”.

Nhiều thói quen sản xuất kinh doanh gỗ của doanh nghiệp cũng như hộ gia đình, làng nghề gỗ của Việt Nam sẽ phải thay đổi khi Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký kết, dự kiến vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Tường Vân - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo VPA/FLEGT, Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp định sẽ không làm khó hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình.


Đàm phán trên các quy định của Việt Nam

VPA/FLEGT là hiệp định thương mại song phương được ký kết giữa EU với quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, quốc gia đối tác cam kết xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp dựa trên luật pháp của quốc gia đối tác và cấp phép FLEGT để bảo đảm rằng chỉ có gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp mới được xuất khẩu vào thị trường EU.

Khởi động từ tháng 11/2010, đến nay giữa Việt Nam và EU đã có 4 phiên đàm phát cấp cao (TWG), 8 phiên cấp kỹ thuật (JEM), 29 cuộc họp trực tuyến. Dự kiến từ nay đến khi kết thúc đàm phám vào cuối năm nay, 2 bên sẽ còn 2 phiên đàm phám TWG và 3 phiên cấp JEM, trong đó phiên JEM 9 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14- 18/4 tới tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Tường Vân, trong số 9 phụ lục của Hiệp định, cho đến nay các bên đã cơ bản thống nhất danh mục hàng hóa đưa vào Hiệp định gồm 23 phân nhóm mặt hàng (6 chữ số HS), 113 số lượng mặt hàng (8 chữ số).

Về định nghĩa gỗ hợp pháp, hai bên cũng đã có bước tiến trong việc thống nhất chia định nghĩa gỗ hợp pháp thành 2 nhóm: tổ chức và hộ gia đình với yêu cầu pháp lý khác nhau, trong đó chủ trương là đối với hộ gia đình sẽ hạn chế tối đa thủ tục hành chính cho việc xác minh tính hợp pháp.

Các bên cũng nhất trí 7 nguyên tắc của gỗ hợp pháp và đang tiến hành rà soát lại tất cả tiêu chí, chỉ số và bằng chứng thuộc 7 nguyên tắc của gỗ hợp pháp theo quy định trong các văn bản pháp luật mới của Việt Nam có hiệu lực đến ngày 31/3/2015.
Bà Vân cũng cho biết, trong 7 phụ lục còn lại đang tiếp tục đàm phán, phụ lục quan trọng nhất là phụ lục về hệ thống bảo đảm tính hợp pháp của gỗ (TLAS), đây là một điểm mới của VPA.

“Trong 2 năm 2013 và 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật mới thuộc ngành lâm nghiệp, do vậy, hiện nay phía Việt Nam đang tiến hành rà soát và điều chỉnh tất cả các tiêu chí, chỉ số và bằng chứng về định nghĩa gỗ hợp pháp theo các văn bản pháp luật mới có hiệu lực đến ngày 31/3/2015...”, bà Vân nói.

Bà Vân cũng lưu ý, tất cả những nội dung đàm phám đưa vào Hiệp định hoàn toàn trên cơ sở pháp luật Việt Nam đã có quy định chứ không đặt ra hay áp đặt quy định mới của EU…

Tuân thủ pháp luật Việt Nam là hợp pháp

Nội dung chính của VPA là yêu cầu nước xuất khẩu gỗ phải thiết lập một hệ thống đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp của gỗ trên cơ sở pháp luật hiện hành của quốc gia xuất khẩu gỗ.

EU không đưa ra bất cứ quy định nào ngoài những quy định của Việt Nam đã có, vì vậy các DN Việt Nam tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam là có thể đáp ứng được các yêu cầu của VPA.

Thực tế hiện nay nhiều DN, hộ gia đình đã bỏ qua những quy định trong chuỗi cung ứng từ nhập khẩu, khai thác, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam – EU, tuân thủ quy định về gỗ hợp pháp sẽ làm thay đổi thói quen sản xuất kinh doanh (SXKD) gỗ của DN cũng như làng nghề gỗ của Việt Nam.

Ví dụ, nếu như trước đây các DN và cơ sở sản xuất gỗ có thể nhập gỗ nguyên liệu từ những vùng nguyên liệu gỗ, kể cả gỗ không có nguồn gốc rõ ràng, để SXKD trong nước và xuất khẩu thì sau khi VPA được ký kết, không những DN phải nói không với gỗ bất hợp pháp mà dự kiến các quy định chặt chẽ của Hiệp định này sẽ tác động khá lớn đến chu trình vận hành SXKD của DN.

“Mục tiêu lớn nhất của việc đàm phán Hiệp định PVA/FLEGT là tạo điều kiện cho các DN SXKD gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU, tránh rủi ro cho DN khi xuất khẩu vào thị trường này. Bởi một khi EU đã đặt ra các rào cản kỹ thuật, nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, hàng hóa của DN Việt Nam sẽ phải quay về, rủi ro là rất lớn…”, bà Vân lưu ý.

Vấn đề nhiều DN hiện vẫn quan ngại là với việc ký VPA, DN sẽ phải thêm thủ tục hành chính, phát sinh chi phí. Theo bà Vân, đây là một lựa chọn tất yếu nếu các DN muốn đưa sản phẩm gỗ thâm nhập thị trường EU.

“Việc có thêm một loại giấy phép thì phát sinh thêm các loại giấy tờ, thủ tục là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, khi đã có giấy phép FLEGT, các sản phẩm gỗ của DN có thể đưa vào EU mà không phải giải trình nguồn gốc gỗ như hiện nay các DN đang phải làm…”.

Cũng theo bà Vân, phần lớn DN xuất khẩu gỗ lớn của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này của phía EU, bởi trên thực tế các DN này vẫn đang xuất khẩu sang EU và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ của EU, nhiều DN đã xuất khẩu sang các thị trường rất khó tính như Nhật, Mỹ, Australia… và đều đáp ứng được các yêu cầu do thị trường đó đề ra…

“Hiệp định không quy định thêm những gì mà pháp luật Việt Nam đã quy định. Vấn đề là các DN, hộ nông dân cần nhận thức để thích ứng và tuân thủ…”, bà Vân nhấn mạnh.

Theo báo cáo “Tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU” của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT tháng 7/2014, hiện Việt Nam có hơn 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực gỗ với trên 300.000 lao động, trong đó lượng gỗ, sản lượng gỗ xuất khẩu sang EU chiếm 20% trên tổng sản lượng gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực về xuất khẩu đồ nội thất, chiếm khoảng gần 4% thị phần trên thế giới.

Trong 4 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, EU được đánh giá là một thị trường lớn, chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam, các thị trường còn lại bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.