ETF “made in Việt Nam” liệu có thay đổi được cách đầu tư truyền thống?

ETF “made in Việt Nam” liệu có thay đổi được cách đầu tư truyền thống?

Hoạt động arbitrage giữa các thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường sẽ đảm bảo giá chứng chỉ quỹ ETF liên hệ chặt chẽ với giá của các chứng khoán cơ cấu.

Những ngày gần đây, các cơ quan ban ngành gấp rút chuẩn bị những bước cuối để sản phẩm mới là ETF đến được với nhà đầu tư. Thêm một cách đầu tư và với không ít nhà đầu tư “chơi chứng” chuyên nghiệp thì sản phẩm này có thể sẽ thay đổi được cách đầu tư truyền thống. Vậy, ETF là gì? Hoạt động ra sao? Khác biệt của quỹ ETF với quỹ truyền thống như thế nào?...

Chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà đầu tư Trường Money để nhà đầu tư tham khảo.

Những hiểu biết cơ bản về ETF

ETF là viết tắt từ từ Exchange Traded Fund là quỹ hoán đổi danh mục. Có thể hiểu hình thức mà quỹ dạng này đầu tư theo một mô phỏng nào đó cụ thể. Những cổ phiếu đáp ứng điều kiện mô phỏng trước này thành một rổ và được cơ cấu liên tục theo thời gian định trước đúng với mô phỏng quy định của quỹ. Thông thường ETF hoạt động dựa vào bộ chỉ số định hình trước theo những tiêu chí cụ thể được định trước.

Ngày nay ETF mô phỏng rất nhiều chỉ số, không những với cổ phiếu mà còn hàng hóa, vàng ngoại tệ, trái phiếu…Nhưng tất cả ETF đều có tiêu chí làm sao để mô phỏng chính xác nhất chỉ số được định trước với sai số thấp nhất. Nhà quản lý quỹ không quan tâm nhiều đến từng cổ phiếu trong rổ mà chỉ bám sát mục tiêu mô phỏng chính xác.

ETF không phải là quỹ đầu tư có rủi ro cao và lợi nhuận cao, mô hình đầu tư này vẫn có rủi ro và vẫn không chắc chắn. ETF có những lợi thế vượt trội như chi phí thấp do chỉ mô phỏng chỉ số, Tỷ suất sinh lời ngang với tỷ suất sinh lời chung của chỉ số (hay thị trường), ETF cũng không khác biệt lắm so với một danh mục đầu tư gồm một rổ cổ phiếu mà NĐT có thể tự đầu tư.

TTCKVN có 2 quỹ ETF nước ngoài là FTSE Vietnam UCITS ETF do Deutsche Bank quản lý và Market Vectors Vietnam ETF do Van Eck Global quản lý. Hai quỹ này cơ cấu danh mục hàng quý dựa vào các tiêu chí cơ bản như vốn hoá thị trường, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch (Free Float), "Room" còn lại của nhà đầu tư nước ngoài. Số lượng CP tối thiểu được quy định và không quy định số lượng CP tối đa. FTSE Vietnam UCITS ETF định kỳ công bố việc đổi danh mục vào thứ Sáu đầu tiên của các tháng 3, 6, 9 và 12. Cả hai quỹ có ngày chốt để tính tiêu chí là trước ngày thứ 6 cuối cùng của tháng 3,6,9,12. Market Vectors Vietnam ETF thực hiện việc công bố chậm hơn FTSE một tuần.

Với ETF nội hiện có Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam (VFM) chuẩn bị ra mắt ETF nội địa đầu tiên mô phỏng chỉ số VN30 của HOSE và Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng đang xúc tiến thành lập ETF mô phỏng chỉ số HNX30 của Sở GDCK Hà Nội (HNX). Hồ sơ đang trong những giai đoạn cuối cùng để được tiến đến niêm yết. Sắp tới có nhiều quỹ ETF nội được thành lập và hoạt động NĐT sẽ quan tâm sôi động hơn trong những kỳ cơ cấu.

Khi giá của chứng chỉ ETF thấp hơn giá chứng khoán cơ sở trong danh mục, các nhà tạo lập thị trường sẽ mua chứng chỉ quỹ trên thị trường và hoán đổi (Redeem) lấy danh mục tài sản cơ sở để bán ra hưởng chênh lệch, và ngược lại.

ETF khác với quỹ truyền thống ở đâu?

Quỹ ETF không bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ trực tiếp cho nhà đầu tư, mà chỉ phát hành theo lô lớn. Ở Việt Nam, một lô đơn vị quỹ ETF gồm tối thiểu 100,000 chứng chỉ quỹ ETF.

Nhà đầu tư không mua lô đơn vị quỹ bằng tiền, mà thay vào đó mua các lô đơn vị quỹ ETF bằng danh mục chứng khoán cơ cấu – mô phỏng theo danh mục của chỉ số tham chiếu đã được chấp thuận. Các nhà đầu tư trực tiếp mua các lô đơn vị quỹ thường là những tổ chức đầu tư và các đơn vị tạo lập quỹ. Đây là hoạt động trên thị trường sơ cấp.

Sau khi mua các lô đơn vị quỹ, nhà đầu tư thường chia nhỏ ra và bán các chứng chỉ quỹ ETF trên thị trường thứ cấp. Điều này cho phép các nhà đầu tư khác mua các đơn vị quỹ riêng lẻ, thay vì mua lô lớn trên thị trường sơ cấp.

Nhà đầu tư muốn bán chứng chỉ quỹ sẽ có hai sự lựa chọn: bán chứng chỉ quỹ riêng lẻ cho các nhà đầu tư khác trên thị trường thứ cấp, hoặc bán các lô đơn vị quỹ ngược lại cho quỹ ETF.

Nhà đầu tư sử dụng “công cụ” ETF như thế nào?

Tổ chức phát hành tính toán và công bố giá trị tài sản ròng (NAV, Net Asset Value) của quỹ ETF hàng ngày, dựa vào giá đóng cửa của chứng khoán cơ cấu trong danh mục sau khi cộng vào các lệ phí và chi phí.

Trong phiên giao dịch, thị giá chứng chỉ quỹ có thể thay đổi liên tục do sự dao động của giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư hay nhu cầu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cơ chế kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) thường giữ thị giá chứng chỉ quỹ ETF gần với NAV của nó; cụ thể:

• Nếu giá ETF cao hơn giá trị NAV, thì người tham gia kinh doanh arbitrage có thể mua các chứng khoán cơ cấu để đổi lấy đơn vị quỹ ETF và bán nó trên thị trường chứng khoán để kiếm lợi nhuận.

• Nếu giá ETF thấp hơn giá trị NAV, thì người tham gia kinh doanh arbitrage có thể mua các đơn vị quỹ ETF trên thị trường chứng khoán để đổi lấy chứng khoán cơ cấu, và sau đó bán những cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường để kiếm lợi nhuận.

Hoạt động arbitrage giữa các thành viên lập quỹ và tổ chức tạo lập thị trường sẽ đảm bảo giá chứng chỉ quỹ ETF liên hệ chặt chẽ với giá của các chứng khoán cơ cấu. Mức độ thanh khoản của ETF sẽ phụ thuộc vào những yếu tố:

-Danh mục đầu tư của quỹ ETF. Một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tính thanh khoản quỹ ETF là các khoản mục đầu tư của quỹ. Nếu các tài sản đầu tư được giao dịch tự do và dễ dàng, thì chứng chỉ quỹ ETF cũng dễ dàng giao dịch.

Tùy vào mục đích khi thành lập quỹ, các quỹ ETF có thể đầu tư vào các chỉ số cụ thể như vốn hóa lớn, trung bình, nhỏ, tăng trưởng hay chỉ số giá trị… Thông thường, các quỹ ETF đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn được niêm yết trên TTCK sẽ có tính thanh khoản cao hơn.

-Giao dịch của chứng khoán cơ cấu. Khối lượng giao dịch là kết quả trực tiếp giữa cung và cầu; do đó những cổ phiếu có rủi ro thấp thường được mua bán nhiều hơn. Vì vậy, quỹ ETF đầu tư vào những mã cổ phiếu giao dịch nhiều sẽ có tính thanh khoản cao hơn.

-Mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với chứng chỉ quỹ. Số lượng nhà đầu tư quan tâm đến chứng chỉ quỹ cũng có tác động lên tính thanh khoản của quỹ ETF. Sự sẵn sàng tham gia giao dịch sẽ làm tăng khối lượng, và theo đó làm gia tăng thanh khoản.

-Môi trường đầu tư. Mức độ rủi ro của môi trường đầu tư có thể ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản quỹ ETF. Nếu quỹ đầu tư vào một nhóm ngành rủi ro, trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng hay tại một thị trường rủi ro sẽ khó thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.

Quỹ ETF VFMVN30 do Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý với các thành viên lập quỹ là Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và ngân hàng giám sát của Quỹ là Standard Chartered Bank. Quỹ ETF VFMVN30 sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch TPHCM.

Cách thức giao dịch của quỹ trên sàn giao dịch giống với hình thức giao dịch cổ phiếu. Như vậy, NĐT cá nhân có thể giao dịch như một cổ phiếu.

Quỹ ETF VFMVN30 sử dụng chiến lược đầu tư thụ động để thực hiện mục tiêu đầu tư đã định trước. Khi danh mục chứng khoán của chỉ số VN30 có sự thay đổi thì Quỹ ETF VFMVN30 sẽ thực hiện điều chỉnh danh mục của Quỹ để phù hợp với danh mục của chỉ số VN30 về cơ cấu và tỷ trọng tài sản. Quỹ sẽ hướng đến việc có kết quả tương đồng với chỉ số tham chiếu và không thực hiện chiến lược phòng thủ khi thị trường giảm hay hiện thực hóa lợi nhuận khi thị trường được định giá quá cao. Việc đầu tư thụ động nhằm giảm thiểu chi phí và mô phỏng gần hơn chỉ số tham chiếu bằng cách duy trì tỷ lệ vòng quay vốn đầu tư thấp hơn so với các quỹ sử dụng chiến lược đầu tư chủ động.

Với VFMVN30 Nhà đầu tư làm gì? (giao dịch Arbitrage được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền vào quỹ ETF nội)

Khi ETF nhỏ hơn iNAV NĐT sẽ bán danh mục chứng khoán cơ cấu (PDF). Đồng thời mua ETF trên thị trường thứ cấp. Yêu cầu hoàn trả ETF với công ty quản lý quỹ.

Khi ETF lớn hơn iNAV NĐT bán ETF đồng thời mua danh mục chứng khoán cơ cấu (PDF) trên thị trường thứ cấp. Yêu cầu tạo ETF với công ty quản lý quỹ.

iNAV là dịch vụ mà HOSE cung cấp riêng cho sản phẩm quỹ ETF: Giá trị này được HOSE tính dựa trên giá trị tài sản ròng và chi tiết danh mục đầu tư của quỹ được cung cấp hằng ngày bởi VFM. Đồng thời, HOSE sẽ cập nhật giá thị trường cho danh mục đầu tư của quỹ khi có sự thay đổi để cho ra giá trị danh mục đầu tư ngay trong giờ giao dịch. Có nghĩa là khi giá các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của quỹ có sự thay đổi thì giá trị danh mục đầu tư của quỹ ETF sẽ thay đổi, và qua đó giá trị iNAV sẽ thay đổi.

iIndex được tính trên cơ sở lấy chỉ số tham chiếu của quỹ ETF chia cho một hệ số xác định nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư so sánh biến động giá chứng chỉ quỹ ETF với chỉ số tham chiếu. Chỉ số này HOSE xây dựng cho các quỹ ETF sử dụng bộ chỉ số của HOSE. (ví dụ iVN30 ra đời để tính cho riêng cho quỹ ETF giúp nhà đầu tư dễ hình dung bằng cách tại thời điểm IPO của quỹ ETF VFMVN30 thì iIndex sẽ có giá trị là 1,000 điểm. Khi VN30 tăng hoặc giảm thì iIndex cũng sẽ tăng và giảm tương ứng theo phần trăm của VN30, nhà đầu tư nhìn vào iIndex và iNAV của chứng chỉ quỹ ETF có thể thấy được chênh lệch mô phỏng của quỹ.)

iNAV và iINDEX 2 chỉ số này chỉ để tham khảo cho nhà đầu tư. Việc mua/bán chứng chỉ quỹ ETF là dựa trên nhu cầu và phán đoán thị thường của từng nhà đầu tư.

>>Quỹ ETF đầu tư theo VN30 đã huy động được 200 tỷ đồng

>>HNX ban hành quy chế giao dịch quỹ ETF

>>ETF VFMVN30 có đủ hấp dẫn như các quỹ mang họ ETF?

Trường Money