Theo ETF Daily News, Việt Nam đã là một thị trường tiềm năng chưa được nhiều nhà đầu tư biết đến, nhưng điều này đang và sẽ thay đổi trong thời gian tới. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải cách nền kinh tế với mục tiêu khiến đất nước ngày càng giàu mạnh.
Do chi phí tăng cao tại Trung Quốc, Việt Nam đang thành điểm nóng của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo hãng tin Financial Times, Việt Nam đánh bại các thị trường mới nổi khác trong tỷ lệ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án mới (GI) trên tăng trưởng GDP.
Trong khoảng 2003-2014, những khoản đầu tư FDI vào dự án mới đã tăng 5 lần với hơn 2000 dự án mới được khởi công. Hơn một nửa trong số đó là đầu tư vào ngành sản xuất.
Đầu những năm 2000, tập đoàn Intel đã xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 2 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh, còn Samsung đã xây dựng 3 nhà máy tại Việt Nam, trở thành một trong những khu vực sản xuất lớn nhất của công ty.
Không chỉ có sản xuất, ngành tiêu dùng và công nghệ cũng hấp dẫn
Việt Nam không chỉ có khả năng trở thành công xưởng mới của thế giới, ngành tiêu dùng tại đây cũng phát triển nhanh chóng khi tỷ lệ đo thị hóa thuộc hàng nhanh nhất Châu Á.
Đây là lý do mà năm 2014, Procter & Gamble và Unilever tuyên bố sẽ đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn P&G sẽ mở nhà máy sản xuất dao cạo trị giá 100 triệu USD, còn Unilever sẽ xây sựng nhà máy sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa trị giá 40 triệu USD.
Ngoài ra, lý do trên cũng là nguyên nhân khiến công ty Mỹ Warburg Pincus đầu tư 100 triệu USD vào Vincom Retail.
Thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đang phát triển mạnh. Hãng tư vấn AT Kearney cho biết tỷ lệ sử dungụ Internet tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Hiện tại, có 40 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tóm lại ETF Daily News nhận định những yếu tố trên sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo đúng mục tiêu 6,2%, và nhiều khả năng chính phủ sẽ hoàn thành mục tiêu này bởi những động thái mới đây trên thị trường chứng khoán.
Cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Tháng 6/2015, Việt Nam quyết định dỡ bỏ quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, ngoại trừ một số ngành nhạy cảm. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2015 và đã làm bất ngờ nhiều nhà đầu tư, bởi trước đó thị trường chỉ dự đoán chính phủ sẽ nới lỏng quy định sở hữu từ 49% lên 60%.
Động thái này của chính phủ Việt Nam được đánh giá là một bước đi đúng đắn và khôn ngoan. Quyết định này sẽ thúc đẩy tính thanh khoản trên thị trường chúng khoán và trong tương lai gần, nâng Việt Nam từ vị thế thị trường tiềm năng lên thị trường mới nổi.
Quan trọng hơn, động thái này sẽ giúp chính phủ đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Những dòng vốn đầu tư tư nhân sẽ giúp các công ty quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những phản ứng tích cực từ đầu tháng 7 đến nay khi nhà đầu tư trong nước ồ ạt mua vào với hy vọng bắt kịp sóng đầu tư quốc tế. Chỉ số VN Index đã tăng khoảng 10% kể từ khi tuyên bố trên của chính phủ được đưa ra.
Hiện tại, nhà đầu tư trong nước đều biết rằng 30 công ty lớn nhất trên sàn, chiếm 1/4 tổng vốn hóa thị trường, đang được nhà đầu tư nước ngoài giao dịch ở mức gần hoặc đã tới mức giới hạn theo quy định sở hữu cũ.
Nhà đầu tư quốc tế cũng đang ngày càng bị thu hút vào thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 233 triệu USD cổ phiếu trên thị trường, cao hơn mức 128 triệu USD của cả năm 2014.
Hãng tin ETF Daily News khuyến nghị nhà đầu tư nước ngoài sử dụng quỹ Market Vectors Vietnam ETF để đầu tư vào Việt Nam hiện nay.
Market Vectors Vietnam ETF hiện đang nắm giữ 30 cổ phiếu và khoảng 77,7% vốn của quỹ đang được đầu tư trực tiếp vào các công ty niêm yết trên thị trường. Mức chi phí để đầu tư qua quỹ ETF này là 0,7%.
ETF Daily News cũng nhận định việc dỡ bỏ quy định sở hữu cho người nước ngoài sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng tới, và đây là một tin tốt cho cả nhà đầu tư lẫn Market Vectors Vietnam ETF.