Về cuối phiên giao dịch, một số cổ phiếu lớn trên thị trường như BID, CTG, SSI, KDC, MSN… đã không còn nhận được lực cầu để tiếp tục tăng giá mà đã đảo chiều giảm nhẹ trở lại. Trong khi đó, cả hai chỉ số vẫn duy trì được sắc xanh nhờ lực đỡ khá tốt đến từ các cổ phiếu như VCB, VIC, STB, BVH, DPM, NTP, ACB… Trong đó, hai mã STB và EIB đã được kéo lên mức giá trần. Trước đó, EIB đã có quyết định quan trọng về thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc thay cho ông Phạm Hữu Phú – người vừa từ nhiệm.
Mã DPM bất ngờ tăng mạnh 800 đồng lên 31.600 đồng/CP sau thông tin sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2015, tỷ lệ 25% bằng tiền.
Giao dịch trên thị trường tiếp tục diễn ra ảm đạm, thanh khoản hai sàn duy trì ở mức thấp. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm một phần tương đối trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường. Về cuối phiên giao dịch, SSI đã nâng lượng thỏa thuận lên thành gần 5,2 triệu cổ phiếu (114,46 tỷ đồng). KSA thỏa thuận hơn 7,8 triệu cổ phiếu (trên 42,3 tỷ đồng). SAM là 3,9 triệu cổ phiếu (35 tỷ đồng). HNG thỏa thuận được 1,35 triệu cổ phiếu (38,4 tỷ đồng).
Trong khi đó, giao dịch khớp lệnh trên thị trường phiên hôm nay vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, SHI, HAG, TIG… Mã FLC tăng 100 đồng lên 7.700 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt hơn 8,9 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 2,39 điểm (0,43%) lên 563,43 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 74 mã giảm và 94 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 99,44 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch trên 1.522 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,32 điểm (0,41%) lên 79,22 điểm. Toàn sàn có 119 mã tăng, 73 mã giảm và 181 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 35,96 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt trên 369,5 tỷ đồng.
Về cuối phiên sáng, giao dịch trên thị trường có phần khởi sắc hơn, lực bán mạnh giá thấp đã không còn, điều này giúp nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã lấy lại được sắc xanh. Đáng chú ý, hai mã BVH và STB đã tăng giá rấy mạnh trong phiên sáng nay. Trong đó, BVH tăng 1.500 đồng lên 52.000 đồng/CP. STB tăng 600 đồng lên 11.900 đồng/CP.
Các cổ phiếu lớn khác như VNM, VIC, VCB, BID, KDC, VCG, ACB… cũng duy trì được sắc xanh nhẹ và góp phần khá lớn vào đà tăng của hai chỉ số.
Đáng chú ý, mặc dù chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thế giới, tuy nhiên, do đã giảm khá mạnh ở nhiều phiên trước đó nên các cổ phiếu dầu khí trên thị trường trong phiên sáng nay như GAS, PVD, PVS, PVC… đã hồi phục trở lại. GAS tăng 200 đồng lên 38.300 đồng/CP. PVD tăng 100 đồng lên 28.600 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu bất động sản như FLC, ITA, HQC, KBC… cũng đã tăng giá khá tích cực. Khép phiên sáng, ITA tăng mạnh 200 đồng lên 5.900 đồng/CP. FLC tăng 200 đồng lên 7.800 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 4,8 triệu đơn vị.
Giao dịch trên thị trường ở phiên sáng diễn ra rất ảm đạm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ khoản 1.000 tỷ đồng, nhưng có tới trên 200 tỷ là của giao dịch thỏa thuận.
Về cuối phiên sáng, thị trường đón nhận thêm giao dịch thỏa thuận của KSA (hơn 6,3 triệu cổ phiếu), KDC (1 triệu cổ phiếu) và SAM (gần 2,3 triệu cổ phiếu).
Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 4,68 điểm (0,83%) lên 565,72 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng, 66 mã giảm và 107 mã đứng giá.
Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 0,17 điểm (0,21%) lên 79,06 điểm. Toàn sàn có 76 mã tang, 69 mã giảm và 228 mã đứng giá.
Sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường có phần hồi phục trở lại. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, BID, EIB, ACB… đã nhích lên trên mốc tham chiếu. Hiện tại, STB tiếp tục tăng mạnh 300 đồng lên 11.600 đồng/CP. BID tăng 100 đồng lên 20.400 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác là FPT, BVH, VIC, VND… cũng đang tăng giá nhẹ và tạo lực đỡ khá tốt giúp duy trì sắc xanh của hai chỉ số. VIC đang tăng 200 đồng lên 41.500 đồng/CP. Phiên hôm qua, VIC đã bị khối ngoại bán ròng tới hơn 394 tỷ đồng (9,28 triệu cổ phiếu), trong đó họ bán 9 triệu cổ phiếu này thông qua phương thức thỏa thuận.
Trong khi đó, các cổ phiếu dòng dầu khí như GAS, PVS, PVC, PVD… đang giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu sau nhiều phiên giảm liên tục. Tuy nhiên, thông tin giá dầu thế giới vẫn chưa có chuyển biến tích cực vẫn có thể gây nên áp lực tới nhóm cổ phiếu này. Giá dầu phiên 10/12 tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm do đồng USD mạnh lên và lo ngại về tình trạng cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giao tháng 1/2015 giảm 40 cent, hay 1,1%, xuống 36,76 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2009 và ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Giá dầu Brent giao tháng 1/2016 giảm 38 cent, tương đương 0,9%, xuống 39,73 USD/thùng, thấp nhất kể từ 18/2/2009.
Giao dịch trên thị trường đang diễn ra ảm đạm, nổi trội nhất lúc này là giao dịch thỏa thuận lên tới 5 triệu cổ phiếu ở mức giá 22.000 đồng/CP, tương ứng giá trị giao dịch lên tới 110 tỷ đồng. Được biết, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, em ruột ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài gòn (mã SSI - HoSE) vừa đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu SSI, tương đương 1,06% vốn điều lệ. Giao dịch này được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận với Công ty TNHH Đầu tư NDH. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 3/12 đến ngày 31/12/2015.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HQC đã tăng trở lại 100 đồng lên 5.800 đồng/CP sau tin Chủ tịch Trương Anh Tuấn đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu.
Sau 45 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,25 điểm (0,22%) lên 562,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 18,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị trên 280 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm tăng 0,08 điểm (0,1%) lên 78,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 5,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 54 tỷ đồng.
Bao trùm thị trường trong giai đoạn này là tâm lý khá thận trọng và e dè của các nhà đầu tư. Xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư ngoại và việc chỉ số rơi sâu khiến nhà đầu tư không tìm thấy động lực nào để tham gia thị trường. Với việc những tin tức hỗ trợ gần như không xuất hiện trong khi rủi ro từ các yếu tố bên ngoài vẫn đang đè nặng lên thị trường, VCBS duy trì khuyến nghị vị thế tiền mặt vẫn là tối ưu đối với các nhà đầu tư vào giai đoạn hiện tại.