5 năm dang dở một dự án đất vàng
Ngày 20/02/2008, CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (EFI), NXBGD VN, CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) và Xúc tiến thương mại KAF đã ký kết hợp đồng liên doanh số 01/2008/HĐLD về việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư IP Việt Nam (Incomex – Pushishing House) thực hiện đầu tư xây dựng Công trình hỗn hợp cao tầng tại 187 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.
Cơ cấu liên doanh CTCP Đầu tư IP Việt Nam
Dự án 187 Giảng Võ với tổng diện tích 9.149,2 m2 , diện tích sàn khoảng 90.000 m2, được chia làm 2 khu riêng biệt gồm Khu chung cư có quy mô 21 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 29.568 m2 và Khu văn phòng và siêu thị có tổng mức đầu tư là 1.300 tỷ đồng với quy mô 29 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 58,200 m2, dự kiến dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu ở của khoảng 200 hộ dân.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm, dự án vẫn chưa được thành hình. Khu văn phòng và siêu thị hiện vẫn là khu tập thể cũ cũng nhà sách Trí Tuệ của NXB Giáo dục. Trước đây, vào tháng 4/2012, do tiến độ thực hiện quá chậm, UBND Tp Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư sớm triển khai dự án.
187 B Giảng Võ: Phối cảnh dự án và hiện trạng
Chia sẻ về nguyên nhân cho sự trì trệ của dự án, ông Phạm Hùng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Xây dựng Sông Hồng (mã ICG- HNX) cho biết dự án 187 Giảng Võ "chưa biết bao giờ sẽ thực hiện được."
Quyết định của Thủ tướng Chính đã yêu cầu dừng lại tất cả các quy hoạch và sau đó là quy định về quản lý quy hoạch các dự án nội đô dã khiến Dự án 187 Giảng Võ cùng các dự án khác chưa biết bao giờ sẽ thực hiện được. Chủ tịch ICG còn chia sẻ với các cổ đông công ty cảm thấy may mắn vì thoái vốn được khỏi dự án này.
Sang tay chủ mới?
Theo BCTC quý II mới được công bố, CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (mã EFI-HNX) đã hoàn tất 13% vốn góp tại CTCP Đầu tư IP Việt Nam với giá 12.000 đồng/cổ phần. Với việc thoái 13 triệu cổ phần, EFI thu về 15,6 tỷ đồng và thu về khoảng 2,6 tỷ đồng lãi từ thoái vốn.
Tuy nhiên, thông tin về đối tác nhận chuyển nhượng dự án vẫn chưa được cho biết. Trong trường hợp NXB Giáo dục, cổ đông sở hữu 38% vốn CTCP Đầu tư IP, mua lại số cổ phần trên thì tổng số cổ phần do NXB Giáo dục nắm giữ sẽ tăng lên 51%, tức mức tỷ lệ có quyền chi phối dự án. Nhưng không loại trừ khả năng EFI đã bán phần vốn trên cho một đối tác khác.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của ICG, Chủ tịch công ty này cho biết đã có 1 DN tư nhân mua 62% vốn điều lệ CTCP Đầu tư IP (tức toàn bộ phần vốn công ty này trừ vốn góp của NXB Giáo dục).
ICG còn cho biết tiền từ thương vụ này đã được chuyển tới công ty. Tuy nhiên do điều kiện hợp đồng yêu cầu ICG phải hỗ trợ tối đa về vấn đề thủ tục cho DN tư nhân mua được phần vốn nên giao dịch chưa thành do vẫn còn rủi ro trong thực hiện giao dịch. Hiên ICG mới đang treo khoản tiền này mà chưa hạch toán vào lợi nhuận. Theo BCTC quý II của ICG, công ty vẫn đang đầu tư 39 tỷ đồng tương đương 39% vốn góp CTCP Đầu tư IP. Giao dịch chưa thực hiện thành công.
Lục đục nội bộ EFI
Nội bộ công ty thời gian qua đã có nhiều mâu thuẫn. Được biết, bà Lã Thị Vân Anh, nguyên là Chủ tịch HĐQT của EFI đã từ nhiệm. Việc từ nhiệm này là do sự điều động của NXBGD VN và nguyện vọng cá nhân.
Sự ra đi của bà Vân Anh không chỉ khiến chiếc ghế Chủ tịch vắng chủ mà còn khiến các quyết định của HĐQT khó đi đến thống nhất do số lượng thành viên HĐQT hiện chỉ có 4 người. Điều này còn vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp, yêu cầu HĐQT phải có tối thiểu 5 thành viên.
Nửa năm sau ngày bà Vân Anh từ nhiệm, EFI vẫn không thể bầu thêm thành viên HĐQT. Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên của công ty này vẫn chưa thể diễn ra dù nay đã là đầu tháng 8. Sự chây ỳ này đã khiến hai cổ đông lớn của EFI là NXB Giáo dục (12,8%) và nhóm cổ đông lớn do CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) đại diện 10,72% vốn gần đây đã phải gửi văn bản đề xuất họp ĐHĐCĐ bất thường để bầu thành viên HĐQT.
Theo một nguồn tin cho biết, ngày 28/7/2015, HĐQT của EFI tổ chức họp để bầu bổ sung thành viên HĐQT. Cuộc họp đã được ghi biên bản đầy đủ nhưng ông Huỳnh Bá Vân – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc EFI đã tiêu hủy Biên bản họp.
Ông Huỳnh Bá Vân và bà Nguyễn Thị Hồng Điệp, hai thành viên HĐQT từng có thời gian làm việc tại NXB Giáo dục đã đồng ý tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhưng ràng buộc điều kiện tiên quyết là HĐQT của EFI phải bầu ra Chủ tịch HĐQT tạm thời.
Ông Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Mạnh Hùng đã giải thích rõ ràng việc không thể bầu Chủ tịch HĐQT tạm thời vì nội dung này HĐQT đã không thể thống nhất được trong suốt 5 tháng qua và không muốn bàn thêm. Có thể thấy, chiếc ghế Chủ tịch của EFI thực sự là "chiếc ghế nóng" trong giai đoạn này.
Cơ cấu cổ đông của EFI nửa năm qua cũng đã có sự thay đổi với sự xuất hiện của hai cổ đông cá nhân mới là ông Nguyễn Quang Vinh và ông Nguyễn Mạnh Hà. Bắt đầu trở thành cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phần) của EFI từ cuối tháng 3, giữa tháng 4, đến nay, ông Vinh đã nâng sở hữu lên 13,61%, và trở thành cổ đông lớn nhất. Ông Hà cũng nâng sở hữu lên tương đương 5,03%.
Cơ cấu cổ đông EFI
Phải chăng vì sự xuất hiện của những cổ đông lớn mới trên đã khiến Phó Chủ tịch EFI cảm thấy yếu thế nếu tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường bầu thành viên? Cuộc tranh giành vị trí thành viên HĐQT thứ 5 và sau đó là chiếc ghế Chủ tịch của EFI có lẽ không đơn giản nhưng cần sớm ngã ngũ để doanh nghiệp này có thể tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường.