Đường Việt - Thái: Chưa biết ai hơn ai

Đường Việt - Thái: Chưa biết ai hơn ai

(NDH) SBT đang nuôi tham vọng phát triển mô hình sản xuất đường sạch khép kín, từ khâu chọn giống đến thành phẩm, nói cách khác là từ nông trại đến bàn ăn. Quy trình đã có sẵn, việc còn lại là phát triển vùng nguyên liệu.

Thực tế mà nói, mức giá của Thái Lan chưa hẳn là đáng sợ. Các doanh nghiệp Thái Lan luôn được chính phủ hỗ trợ trực tiếp một phần chi phí nên có giá bán thấp. Nếu hội nhập thật sự, chưa hẳn họ có khả năng áp đảo được những doanh nghiệp đường Việt Nam, như SBT chẳng hạn. "Nếu cạnh tranh công bằng, tức mở cửa tối đa, chưa biết ai sẽ gia công cho ai", ông Dương tự tin về viễn cảnh sắp tới. Bởi vậy, hội nhập chưa hẳn là nỗi lo đối với SBT, khi mà họ đã có sự chuẩn bị kĩ càng.

Áp lực từ đường Thái Lan cũng chưa hẳn đáng sợ như nhiều thông tin đồn đoán trước đây. Trung Quốc mỗi năm nhập khoảng 2 triệu tấn đường, Indonexia cũng nhập con số tương tự. Chỉ nhiêu đó đã đủ cho Thái Lan tất bật cả năm. Nếu Thái Lan xuất chính ngạch vào Việt Nam, họ phải tốn thêm phí vận chuyển, ước tính bằng 15-20% giá bán, chưa chắc đã rẻ hơn đường Việt Nam.

Trong khi đó, định hướng của họ là tìm đường xuất khẩu sang châu Âu và A rập Xê Út chứ không phải Việt Nam. Cạnh tranh hay không còn tuỳ thuộc vào cung đường thế giới chứ không hẳn dựa vào vị trí địa lý. Chẳng hạn Úc kí hiệp định thương mại tự do với Việt Nam từ năm 2009, nhưng chưa nhập vào Việt Nam kg đường nào.

Diễn biến trên thị trường đường thế giới hiện nay đang tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đường khu vực châu Á. Năm rồi, hạn hán kéo dài khiến sản lượng đường từ Brazil và Ấn Độ giảm đáng kể, hai quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, đẩy giá đường tăng hơn 10% so với cùng kì (tính tại tháng 10.2015). Dự kiến mùa vụ 2015-2016 thế giới thiếu gần 5 triệu tấn đường. Do đó, đường trong nước không sợ không có nơi tiêu thụ, nhất là diện tích mía nhiều khu vực trong nước năm qua cũng giảm đáng kể do sâu bệnh tàn phá.

Dựa trên cơ sở thuận lợi này, ông Dương cho biết trong năm tài chính 2015-2016, SBT đặt kế hoạch tăng 20% sản lượng đường sản xuất và 12% lượng đường tiêu thụ so với năm 2014.

Tái cơ cấu hướng đến chất lượng

Để tăng năng suất, giảm chi phí và giá thành, SBT đã triển khai nhiều kế hoạch tái cơ cấu trong vài năm gần đây.

Ngoài việc cải thiện năng suất đường thu hoạch, SBT cũng đầu tư nâng cấp nhà máy cho hiệu quả hơn, nhất là cơ cấu vốn. Năm rồi, Ngân hàng HSBC đã đồng ý cấp hạn mức tín dụng cho SBT đến 32 triệu USD.

Đáng chú ý nhất là các kế hoạch sáp nhập để nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả hoạt động. Đường Biên Hoà đã sáp nhập với Đường Ninh Hoà, SBT cũng sẽ hoàn thành đưa Đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) về một nhà vào tháng 11.2015 tới. Những bước đi lớn này giúp năng lực SBT nâng lên đáng kể, nhất là nguồn nguyên liệu và quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, SBT cũng mạnh tay đầu tư cho các dự án vệ tinh để góp phần gia tăng lợi nhuận.

Các dự án cạnh đường và sau đường được quan tâm hơn cả. Nhà máy sản xuất cồn với quy mô 100.000 lít/ngày đang được triển khai với vốn đầu tư trên 450 tỉ đồng. Nhà máy sản xuất đường lỏng và nước uống hương đường đóng chai dự kiến cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2015 này. Sản phẩm đường lỏng giúp Công ty mở rộng thị trường nhờ tính tiện lợi trong pha chế thực phẩm. Còn nước uống, theo ông Dương, chỉ riêng thị trường tại các khu du lịch của Tập đoàn Thành Thành Công, tiêu thụ đã lên đến khoảng 2 triệu chai/năm.

Năm nay, ngoài dự án khu công nghiệp đã lên kế hoạch, có một điểm mới đáng chú ý là SBT cũng bước một chân sang lĩnh vực bất động sản. SBT dự tính rót 143 tỉ đồng để xây Trung tâm Thương mại Thành Thành Công Plaza tại thành phố Tây Ninh. Dự án đã thi công được 90% và sẽ đưa vào hoạt động vào quý II.2016. Theo ông Dương, đây là tài sản Công ty đã tích luỹ từ trước chứ không hẳn đầu tư ngoài ngành. Riêng dự án Khu công nghiệp Thành Thành Công Tây Ninh, SBT giữ 49% (vốn 500 tỉ đồng), tỉ lệ lấp đầy hiện tại là 30%.

Cho dù đầu tư gì đi nữa, mía vẫn là lĩnh vực cốt lõi của Công ty. Ông Dương cho biết, SBT đang nuôi tham vọng phát triển mô hình sản xuất đường sạch khép kín, từ khâu chọn giống đến thành phẩm, nói cách khác là từ nông trại đến bàn ăn. Quy trình đã có sẵn, việc còn lại là phát triển vùng nguyên liệu. Ngoài vùng nguyên liệu tại Tây Ninh và Campuchia, SBT cũng dự tính mở rộng lên phía Gia Lai. "Thổ nhưỡng thích hợp để tăng năng suất, điều kiện canh tác cũng thuận tiện cho việc cơ giới hoá", ông Dương đánh giá.


Xem phần 1:

Chủ tịch Đường Thành Thành Công Tây Ninh: "Đường Thái Lan không đáng sợ"