Đường sắt Việt Nam: Thu 400 tỉ, chi 2.000 tỉ đồng/năm

Đường sắt Việt Nam: Thu 400 tỉ, chi 2.000 tỉ đồng/năm

Hiệu quả kinh doanh của ngành đường sắt rất tệ hại. Không thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Cần có ngay những hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy tiến trình xã hội hóa ngành đường sắt.

Đó là những vấn đề “nóng” tại cuộc đối thoại ngày 20.4. Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ từ người đứng đầu Bộ GTVT là quyết liệt đổi mới từ phương thức quản lý đến nguồn nhân lực, nhằm đưa ngành này hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ trong hệ thống giao thông quốc gia.

Phải sớm xã hội hóa

Chủ tịch HĐTV TCty Đường sắt Việt Nam (VNR) - ông Trần Ngọc Thành - cho biết: Để thực hiện công tác huy động nguồn lực xã hội vào hợp tác công tư (PPP), cải tạo nhằm nâng cao hiệu quả tối đa trong việc kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư và giao cho VNR quản lý, khai thác, VNR đang kêu gọi đầu tư hệ thống kho chứa, bãi hàng tại các ga đường sắt như đường và thiết bị xếp dỡ, đường lập tàu, nhà kho... Và chỉ được đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho vận tải hàng hoá bằng đường sắt và được thu phí dịch vụ trên cơ sở khung giá nhà nước và được VNR chấp thuận.

Hiện nay, tổng thu của ngành đường sắt mỗi năm chỉ khoảng 400 tỉ đồng, nhưng phải chi phí lên đến trên 2.000 tỉ đồng. Do vậy rất cần phải xã hội hoá, chuyển nhượng quyền khai thác một số tuyến đường sắt, nâng cao chất lượng chạy tàu. Để làm được những điều này, trước tiên phải rà soát lại toàn bộ công lệnh tốc độ trên các tuyến đường sắt sao cho hợp lý để rút ngắn thời gian hành trình chạy tàu trên từng tuyến đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, muốn đổi mới ngành đường sắt, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan sửa Luật Đường sắt. Theo đó, Bộ GTVT đồng ý chủ trương nhường quyền khai thác cho các DN trên nguyên tắc phải mang lại lợi ích cho Nhà nước, DN và người dân. Trước mắt sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai cho các nhà đầu tư. "Muốn phát triển phải được đầu tư đồng bộ, khó khăn nhất hiện nay là vốn đầu tư lớn, trong khi đó hạ tầng đường sắt được sử dụng hàng trăm năm nay nên việc đầu tư xây dựng mới là rất khó khăn" - ông Đông nhấn mạnh.

Xã hội hoá đầu tư được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ ngành đường sắt

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Đó là ý kiến của hầu hết các DN tại cuộc đối thoại với Bộ GTVT ngày 20.4 về vấn đề xã hội hóa ngành đường sắt. Ông Trần Tuấn Anh - Cty CP giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL) - cho biết, rất muốn vận tải đường sắt phát triển vì hiện Cty chỉ phát triển vận tải đường sắt 5%, logistics là chuỗi cung ứng giữa đường biển, đường sắt và đường bộ. Nếu đường sắt không phát triển thì khách hàng chỉ đến với đường bộ và sẽ tiếp tục tăng chuyện chở hàng quá tải. Nhà đầu tư luôn kỳ vọng Bộ GTVT gỡ các chính sách để sớm triển khai được việc xã hội hóa vận tải ngành đường sắt để DN có cơ sở phát triển dịch vụ.

Đại diện Tập đoàn Vingroup - ông Trần Thanh Sơn - mong muốn được đầu tư vào các tuyến đường sắt để phát triển du lịch, nhưng cần phải có những đoàn tàu chất lượng và tiêu chuẩn của Châu Âu, để giảm thời gian chạy tàu xuống còn dưới 5 giờ thì sẽ thu hút hành khách đi tàu. Cùng chung ý kiến này, ông Trần Thế Hùng - Cty CP vận tải đường sắt - cho biết cần phải có sự đầu tư đầu máy theo dạng xã hội hoá, các DN bỏ tiền ra mua đầu máy đơn giản nhưng quan trọng là không có cơ sở vật chất để sửa chữa bảo dưỡng. Ngành đường sắt có sẵn cơ sở vật chất, do vậy nếu xã hội hoá theo hình thức PPP thì sẽ tạo thuận lợi cho các DN. Rất mong Bộ GTVT xem xét những dịch vụ chung nhất, còn những dịch vụ phục vụ khách hàng cần phải xã hội hoá để DN làm tốt hơn hoạt động phục vụ người dân.

Đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa VNR

Trước hàng loạt vấn đề các DN đưa ra, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần để nhiều DN tham gia đầu tư mới tránh được độc quyền trong kinh doanh và các DN mới có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tốt nhất. VNR là một DN, do vậy, mọi hoạt động SX-KD phải bình đẳng, không được độc quyền. Cần phải đổi mới từ thể chế, chính sách Nhà nước quản lý để hạn chế thấp nhất cơ chế xin-cho. Bộ trưởng Thăng cũng yêu cầu ngành đường sắt rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật xây dựng ngành đường sắt phát triển.

Đường sắt là sở hữu toàn dân, các nhà đầu tư chỉ được phép thuê đất và phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch. Hiện cung cách quản lý ngành đường sắt chưa cao và các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng để đầu tư khai thác. DN kinh doanh hiệu quả, Nhà nước sẽ thu được thuế cao hơn và tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và đối với các phương thức vận tải nói chung. Cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa VNR đúng lộ trình; xây dựng hoàn chỉnh các đề án, công bố công khai để mời gọi các nhà đầu tư.