Dự thảo sửa đổi Nghị định 58: Tại sao nới room lại 'nóng' đến vậy?

Dự thảo sửa đổi Nghị định 58: Tại sao nới room lại 'nóng' đến vậy?

"Chúng tôi đánh giá điểm quy định về sở hữu của NĐTNN với công ty đại chúng sửa đổi lần này là chính sách được chờ đợi nhất trên TTCK trong hơn 2 năm qua" - ông Trần Thăng Long – Trưởng phòng Phân tích – Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV – BSC.

- Nới room sẽ tác động trực tiếp đến các nhóm cổ phiếu đang trong tình trạng hết room.

- Quy định về sở hữu của NĐTNN là chính sách được chờ đợi nhất trên TTCK trong hơn 2 năm qua.

- Hiện đã hết quý I/2015, và không còn nhiều thời gian để các chính sách thực thi và có tác động


Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa công bố việc lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và các thành viên thị trường về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán. Vấn đề nới room vẫn luôn "nóng" trên thị trường chứng khoán, lại tiếp tục nhận được sự chú ý của đông đảo Nhà đầu tư.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Trần Thăng Long - Trưởng phòng Phân tích - Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV - BSC.

- Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 58, tinh thần chung là Chính phủ sẽ nới room cho Nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, những nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những sửa đổi này?

Dự thảo chưa nêu ra con số cụ thể về tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài nói chung sẽ được "nới ra" bao nhiêu. Tuy nhiên định hướng chung là mở hơn so với các quy định trước đó, quy định cụ thể trong điều 3, bổ sung điều 2 của Nghị định 58. Do vậy, nếu chỉ nới room ngay tại CTCK sẽ tác động tích cực tới một số công ty chứng khoán được khối ngoại mua quan tâm nhiều như SSI, HCM. Nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng mạnh nhất của đợt này là nhóm CP CTCK. Do Nhóm CTCK nâng room NĐTNN lên mức tối đa 100%. Hiện có 15 CTCK đang niêm yết với vốn hóa 30.000 tỷ đồng, trong đó có 2 CTCK lớn nhất trong tình trạng gần hết room là HSC và SSI.

Tiếp theo đó, TTCK sẽ chú ý đến các nhóm cổ phiếu đang trong tình trạng hết room. Cụ thể gồm 34 cổ phiếu trên cả 2 sàn (29 trên HSX và 5 trên HNX). Gồm các nhóm sau: Ngân hàng (CTG, MBB, ACB) Dược (DHG, DMC, JVC) Hàng tiêu dùng (VNM, EVE, KMR, PNJ, TCM, BBC, MWG) và một số cổ phiếu khác FPT, REE, CTD, BMP, VNS, GMD,…

- Ông đánh giá thế nào về quy định nới room cho các công ty đại chúng niêm yết lần này?

TTCK là hàn thử biểu của mỗi quốc gia, nên sẽ phục thuộc nhiều hơn vào triển vọng Kinh tế Vĩ mô và các chính sách của Chính Phủ. Kinh tế Việt Nam 2014 được đánh giá là một năm khá thành công khi đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế xã hội dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Kinh tế vĩ mô phục hồi sẽ tiếp tục là bệ đỡ và mang lại những kỳ vọng lạc quan cho thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn kỳ vọng có thêm những cú hích từ sự chuyển biến như về chính sách: Chính sách mới cho thị trường chứng khoán đặc biệt là nới room cho khối ngoại, minh bạch TTCK (Nội dung của Nghị định sửa đổi ND58) , chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết triệt để nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, ký kết các hiệp định thương mại lớn v.v..

Văn bản này, dù chưa phải đáp ứng được 100% kỳ vọng của TTCK, nhưng cũng là bước tiến lớn trong chính sách với NĐTNN và minh bạch hóa TTCK Việt Nam. Do vậy nếu được ban hành sẽ có tác động tích cực đến TTCK nói riêng và sự phục hồi của nền kinh tế nói chung.

- Tại sao nới room lại "nóng" đến vậy, thưa ông?

Xét về mặt tác động đến TTCK, việc nới room nước ngoài luôn là chủ đề nóng với Nhà đầu tư nói riêng và TTCK nói chung. Chúng tôi đánh giá điểm quy định về sở hữu của NĐTNN với công ty đại chúng sửa đổi lần này là chính sách được chờ đợi nhất trên TTCK trong hơn 2 năm qua, và sẽ tác động lớn nhất đến TTCK. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số Thành viên thị trường, đặc biệt là nhóm quỹ đầu tư nước ngoài (chịu ảnh hưởng lớn của dự thảo nghị định 58) nhìn chung Quan điểm của các tổ chức đánh giá cao các điểm đột phát của dự thảo (nới room NĐT NN và gắn CPH với niêm yết).

Tuy nhiên, do dự thảo đã lấy ý kiến nhiều lần và kéo dài gần 2 năm nay, và nhiều thành viên thị trường đã khá mất kiên nhẫn với sự chậm trễ trong thay đổi chính sách. Nếu lần này, trường hợp dự thảo được quy định cụ thể hơn và thông qua trong năm 2015, thì sẽ có tác động không chỉ tích cực đến TTCK niêm yết mà sẽ thúc đẩy quá trình CPH nói riêng và tái cơ cấu nền Kinh tế nói chung.

- Với vai trò là một thành viên của thị trường chứng khoán, ông có ý kiến đóng góp gì cho dự thảo này?

TTCK Việt Nam luôn rất nhạy với các thông tin về chính sách. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 58 là một trong những văn bản được chờ đợi nhất và nếu được thông qua sẽ có tác động mạnh đến triển vọng của TTCK và tiến trình cổ phẩn hóa hướng tới hoàn thiện khung thể chế chính sách pháp luật để TTCK Việt Nam hoạt động thông thoáng, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Và TTCK kỳ vọng với Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58:

Loại bỏ quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, góp vốn vào các công ty đại chúng, ngoại trừ các ngành đang hạn chế nhà đầu tư nước ngoài và theo luật chuyên ngành như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, phân phối dược phẩm …), các doanh nghiệp khác đều mở 100%.

Hiện đã hết quý I/2015, và không còn nhiều thời gian để các chính sách thực thi và có tác động. Thông thường từ chính sách đến khi thẩm thấu và bắt đầu thể hiện thành số liệu kết quả thì thường mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng. Do vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung NĐ58 cần sớm được rà soát và ban hành trong tháng 4/2015.