Áp lực cạnh tranh giá
Hiện tại, hơn 70% tổng chi tiêu thuốc cả nước được đóng góp từ hệ điều trị (ETC) thông qua hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, quy định lựa chọn thuốc trúng thầu theo Thông tư 36/2013-TTLT-BYT-BTC (sửa đổi Thông tư 01/2012) lại ưu tiên tiêu chí "giá thấp".
Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), đây là nguyên nhân chính khiến mức tăng trưởng của tổng tiêu thụ thuốc cả nước chậm lại đáng kể trong 2013 và 2014 với mức tăng lần lượt chỉ 7% và 5%/năm, so với mức 18%/năm bình quân 2006-2012.
Theo MBKE, định giá CP ngành dược đang tương đối hấp dẫn với P/E và P/B bình quân dự báo cho năm 2015 chỉ khoảng 11,3x và 1,8x, so với mức 23,8x và 5,8x trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi tại châu Á. |
Bên cạnh đó, hệ điều trị vẫn đang là khó khăn đối với hầu hết các công ty dược trong nước có đầu tư cho chất lượng sản phẩm nên ít có lợi thế cạnh tranh về giá. Hiện giá trị thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 1/2 tổng chi tiêu thuốc cả nước.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD), Việt Nam xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược. Tức chỉ dừng ở việc có nền công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số sản phẩm so với mức độ cao nhất (mức độ 4) là sản xuất được hoạt chất và phát minh thuốc mới.
Sản phẩm nội địa chủ yếu vẫn là thuốc generic, giá trị thấp và tập trung ở các dòng thuốc thông thường. Phân khúc các sản phẩm đặc trị còn kém phát triển bởi trình độ phát triển của ngành dược Việt Nam chưa cao. Do đó, sản xuất thuốc trong nước hầu như chỉ mới đáp ứng được phân nửa nhu cầu tiêu dùng, phần còn lại phải thông qua nhập khẩu.
Lợi thế cho doanh nghiệp lớn
Mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 quốc gia có ngành công nghiệp dược đang phát triển trên thế giới, nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp, chỉ hơn 30USD/người/năm, so với 96USD của các nước đang phát triển và 186USD của thế giới.
Do vậy, với các đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tăng nhanh và ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao, dư địa tăng trưởng cho các công ty dược phẩm trong nước có hệ thống phân phối tốt vẫn còn tương đối nhiều.
Đơn cử là trường hợp của CTCP Dược Hậu Giang (DHG). DHG hiện đang dẫn đầu các doanh nghiệp dược phẩm nội địa với thế mạnh là hệ thống phân phối sâu rộng nên duy trì được đà tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2008-2014 ở mức 17%/năm. Trong 2015, theo dự báo của MBKE, tăng trưởng doanh thu của DHG có phần chậm lại so với giai đoạn trước (khoảng 7%).
Nguyên nhân do hệ điều trị vẫn đang là khó khăn dưới tác động của quy định đấu thầu mới cũng như áp lực cạnh tranh gia tăng trên kênh thương mại (hệ thống nhà thuốc). Tuy nhiên, nhờ năng lực sản xuất tăng gấp đôi và tiềm năng từ việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng như định hướng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu (xu hướng tiêu dùng hiện nay), nên NĐT có thể kỳ vọng doanh thu của DHG từ 2016 sẽ tăng nhanh hơn.
Sản xuất dược phẩm tại DHG. |
Một trường hợp khác là CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP). Chiến lược bán hàng đang đẩy mạnh và phát triển kênh thương mại (OTC) được xem là hướng đi phù hợp đối với IMP. Mặc dù doanh thu từ hệ điều trị sụt giảm rất mạnh trong 2013 và 2014, nhưng kênh thương mại vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh 35-40%/năm.
Trong 2 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ OTC tăng 42,4% trong khi doanh thu từ hệ điều trị vẫn giảm 52,5%. Nhờ kết quả này, doanh thu 2 tháng đầu năm 2015 của IMP tăng 33,8%. Hiện kênh OTC đang đóng góp đến hơn 87% doanh thu cho IMP, so với mức 65% của cùng kỳ năm trước. IMP có lợi thế từ mối quan hệ chiến lược với đối tác mới là CTCP Dược phẩm Phano, đơn vị sở hữu hệ thống khoảng 40 nhà thuốc đạt chuẩn GPP mang thương hiệu Phano Pharmacy tại TPHCM.
Do vậy, có thể kỳ vọng IMP sẽ đạt được kết quả kinh doanh lạc quan trong 2015 với mức tăng khoảng 15% và 20% cho doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, EPS năm 2015 của IMP ước đạt hơn 3.600 đồng/CP, tương tương với mức P/E 12,8x.