Sau hơn 5 năm thành lập, vốn góp Liên doanh PV-SSG chưa đầy 50% vốn đăng ký
Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam – SSG (PV-SSG) tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Nhà ở Dầu khí – SSG được thành lập ngày 19/01/2010 trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn SSG.
Cơ cấu cổ đông sáng lập
PV - SSG gồm 5 cổ đông sáng lập trong đó có Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (mã PVX- HNX) là cổ đông lớn nhất là SSG Group. Mặc dù, số vốn điều lệ cổ đông cam kết đóng góp là 800 tỷ đồng nhưng hiện nay số tiền vốn góp chỉ đạt 390 tỷ đồng.
10 triệu cổ phần, tương đương giá trị vốn góp theo mệnh giá là 100 tỷ đồng do PVX nắm giữ đã được thông báo bán đấu giá. Giá đấu khởi điểm được PVX đưa ra là 10.080 đồng/ cổ phiếu.
Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào sáng ngày 31/8/2015.
Dự án Mỹ đình Pearl và khu Tây Hà Nội: Tỉnh giấc?
PV-SSG được thành lập với mục tiêu đầu tư và phát triển dự án “Tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam”.
Tuy nhiên, do thị trường bất động sản đóng băng nên dự án của PV SSG vẫn "án binh bất động". Đến nay, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, PV-SSG đang tập trung vào đầu tư, xây dựng Khu căn hộ cao cấp “Mỹ Đình Pearl”.
Theo thiết kế ban đầu, đây là dự án khu Tổ hợp khách sạn 5 sao, Văn phòng và căn hộ cao cấp nằm trong quần thể công viên 25 ha bao gồm Mỹ Đình Pearl, Khu công viên vui chơi giải trí và Khu Tháp Dầu Khí 79 tầng.
Dự án Mỹ Đình Pearl được triển khai trên phần diện tích 3,8 ha bao gồm 2 khối căn hộ cao cấp với 666 căn hộ; 1 Khối khách sạn với hơn 500 phòng tiêu chuẩn 5 sao và 1 Khối Văn phòng hạng A cùng cảnh quan xung quanh đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.
Mỹ Đình Pearl trong quần thể công viên 25 ha
Chưa rõ các chủ đầu tư dự án Mỹ Đình Pearl đã thực sự có ý định "đánh thức" dự án này hay chưa? Nhưng dự án Tháp Dầu khí 79 tầng cạnh đó đã có những bước chuyển lớn trong thời gian gần đây sau nhiều năm "lặng tiếng".
Dự án Khu Tháp Dầu Khí 79 tầng cũng từng được biết tới là dự án của PVX. Vào tháng 7/2011, PVX đã tuyên bố sẽ đầu tư 30 triệu USD để đầu tư dự án Tháp Dầu khí Việt Nam với thiết kế ban đầu 102 tầng. Tháng 3/2012, PVX cho biết khởi công dự án này vào đầu năm 2013 với chiều cao tòa tháp cao nhất giảm xuống còn 79 tầng.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên đến nay vẫn chỉ là bản thảo trên giấy. Sau Tập đoàn dầu khí (PVN) phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành, rút lui khỏi dự án, Chính phủ đã cho phép Hà Nội giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất mà lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định đầu tư xây dựng dự án.
Hiện trạng khu dự án Tháp Dầu khí cũ
Bên nhận lại dự án này là Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ chồng ông Trần Đăng Khoa và bà Nguyễn Thị Minh Hồng.
Ông Trần Đăng Khoa và Đầu tư Mai Linh là cổ đông sáng lập Công ty Đại Quang Minh, một "đại gia" bất động sản tham gia hàng loạt dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng), nhận quyền khai thác nhiều dự án khu đô thị, nhà ở, thương mại tại KĐT mới Thủ Thiêm.
Một dự án có vị trí gần sát Trung tâm Hội nghị Quốc gia, phía Tây Hà Nội cũng dự kiến sẽ được "sang tên, đổi chủ" trong thời gian tới là dự án Starcity Centre tại lô HH Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng do CTCP Đầu tư Đại dương Thăng Long.
Đây là một công ty con của Tập đoàn Đại Dương. Cũng giống như các dự án trên, lô đất HH hiện vẫn chưa được xây dựng và có thời gian được tận dụng làm bãi đỗ xe, sân bóng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 vừa tổ chức, Oceangroup cho biết đang thực hiện đàm phán thương vụ chuyển nhượng cho một đối tác rất tiềm năng. Lợi nhuận thương vụ được ước tính lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
>Tương lai nào cho đại dự án Starcity Centre của OceanGroup?