Dư âm ĐHCĐ: 5% cổ đông

Dư âm ĐHCĐ: 5% cổ đông "kiểm soát" Tập đoàn Đại Dương

Thú vị ở chỗ, cổ đông không có phản đối các tờ trình/nội dung tờ trình, mà lại bỏ phiếu…không ý kiến. Vì ý kiến tán thành dưới 65%, các nội dung sẽ không được thông qua.

13h30 ngày 28/7/2015, ĐHCĐ thường niên 2015 của OGC mới chính thức được cơ bản hoàn tất bằng việc thông qua nội dung biên bản cuộc họp. Thực ra, so với các cuộc họp ĐHCĐ của các doanh nghiệp trải qua nhiều biến cố, ĐHCĐ thường niên của OGC chưa hẳn đã có nhiều thông tin, thời gian chất vấn giữa cổ đông và lãnh đạo công ty. Từ 11h30 đến 13h30, OGC có 2 tiếng đồng hồ dành cho việc hỏi đáp và thông qua biên bản, nghị quyết.

Diễn biến bất ngờ

Diễn biến bất ngờ đầu tiên của cuộc họp đến từ nội dung bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Hà Văn Thắm, đồng thời thông qua tư cách thành viên HĐQT đối với bà Dương Thị Cẩm Thủy (đã được tạm bổ nhiệm làm thành viên HĐQT độc lập từ đầu năm 2015 sau khi ông Preben Hjortlund từ chức).

Việc miễn nhiệm ông Hà Văn Thắm thực ra chỉ mang tính hình thức, khi mà theo luật Doanh nghiệp, sự vắng mặt trong các hoạt động/cuộc họp của công ty, cộng với những vướng mắc vào lao lý đã đủ điều kiện đẩy tên của ông Hà Văn Thắm ra khỏi HĐQT Tập đoàn Đại Dương.

Thế mà chỉ có 52% cổ đông có mặt thông qua. Mặc dù vậy, ông Hà Văn Thắm vẫn đương nhiên bị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương.

Tương tự, với nội dung thông qua tư cách thành viên HĐQT của bà Dương Thị Cẩm Thủy, cũng chỉ có 40,8% cổ đông có mặt thông qua. Với kết quả này, bà Dương Thị Cẩm Thủy bất ngờ rời khỏi HĐQT OGC.

Kết quả này có vẻ nằm ngoài dự tính của Ban tổ chức, khi phiếu biểu quyết bầu thành viên HĐQT chỉ có tên 1 cá nhân, nhằm bổ sung thay cho ông Hà Văn Thắm. Đến lúc này, HĐQT công ty quyết định bên cạnh cái tên Nguyễn Thị Lan Hương (có tên trong phiếu bầu cử), công ty sẽ đề cử thêm bà Hoàng Thị Phương Lan vào HĐQT Tập đoàn Đại Dương. Bà Lan hiện đang là Trưởng Ban kiểm soát nội bộ của Công ty Robot Tosy. Sau bỏ phiếu, bà Nguyễn Thị Lan Hương và bà Hoàng Thị Phương Lan đã trúng cử vào HĐQT OGC. 2 thành viên 8x sẽ là 2 nhân tố mới ở công ty này.

Khả năng hủy niêm yết

Có 3 tờ trình tại ĐHCĐ thường niên lần này không được ĐHCĐ thông qua, đó là Tờ trình thù lao HĐQT, BKS, tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán 2015 và tờ trình sửa đổi Điều lệ công ty.

Rất hiếm khi các nội dung tưởng như "vô thưởng vô phạt này" lại không được thông qua tại ĐHCĐ thường niên của một doanh nghiệp.

Thú vị ở chỗ, cổ đông không có phản đối các tờ trình/nội dung tờ trình, mà lại bỏ phiếu…không ý kiến. Vì ý kiến tán thành dưới 65%, các nội dung sẽ không được thông qua.

OGC đã đứng trước nhiều biến cố, và cận kề khả năng hủy niêm yết. Ban lãnh đạo công ty đã cam kết với Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM và Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ nộp báo cáo soát xét bán niên 2015 trước 30/8/2015. Nếu nộp sau, OGC sẽ bị hủy niêm yết - đại diện OGC tiết lộ.

Thời gian đơn vị kiểm toán làm việc ít nhất 1 tháng, đại diện OGC cho biết. Như vậy, không đủ thời gian cho công ty lựa chọn lại đơn vị kiểm toán và hoàn thành báo cáo soát xét bán niên trước 30/8 năm nay. Hủy niêm yết, cổ đông OGC chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, HĐQT sẽ lựa chọn đơn vị kiểm toán là Deloitte để thực hiện công việc kiểm toán và soát xét báo cáo OGC trong năm 2015. Việc này được OGC đưa vào biên bản ĐHCĐ của công ty.

Đại diện Ocean Group cũng cho biết, HSBC (đại diện cho các quỹ) với tỷ lệ sở hữu xung quanh 5% "bỏ phiếu chống nội dung này". Tuy nhiên, sau khi chốt quyền họ đã thoái vốn. 5% cổ phần sở hữu tại OGC sở dĩ đủ sức "chống lại" các ý kiến tại ĐHCĐ do tỷ lệ tham dự cuộc họp này chưa đến 11%.

Cũng khó có thể nói mục đích của nhóm cổ đông nói trên là nhằm đẩy OGC đến tình trạng hủy niêm yết, vì một khi họ đã thoái vốn, vận mệnh của OGC không còn có nhiều ý nghĩa.

Đưa nội dung lựa chọn Deloitte kiểm toán vào biên bản được HĐQT cho biết nhằm giải quyết việc cấp bách trước.

Thay lời kết

Như vậy là, chỉ với 5% cổ phần sở hữu của một công ty niêm yết khổng lồ, cộng với sự "hờ hững" của phần lớn cổ đông (từ chối không tham dự ĐHCĐ thường niên), một nhóm cổ đông đã có thể can thiệp khá sâu vào tình hình hoạt động của công ty đó.

Trường hợp của OGC, rắc rối có thể nảy sinh chỉ từ việc "không ý kiến" của nhóm cổ đông sở hữu 5% nói trên. ĐHCĐ của công ty với một số tờ trình không được thông qua mở ra khả năng OGC sẽ phải tổ chức một cuộc ĐHCĐ bất thường nữa (tổ chức trực tiếp hoặc xin ý kiến bằng văn bản). Hiện OGC đang tìm hiểu những quy định cho trường hợp oái oăm này.