Sau một mùa hè đầy những xáo trộn trên thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp và tài chính nước này vẫn đang sống trong nhiều nghi ngại.
Thêm một dấu hiệu cho thấy, niềm tin vào triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang bị xói mòn là việc nhà đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi nước này với tốc độ ngày càng nhanh.
Luồng vốn ngoại đang rút ra và một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang góp phần làm tăng thêm tâm lý bất an cho giới đầu tư. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ sắp tăng lãi suất sẽ làm tăng thêm khó khăn cho các nhà đầu tư và các công ty.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hồi giữa tháng 8 đã gây bất ngờ cho thị trường khi phá giá đồng Nhân dân tệ. Nguyên nhân hợp lý nhất để giải thích cho động thái đó là Trung Quốc muốn “đánh chặn” khả năng tăng lãi suất của Fed.
Áp lực giảm giá của đồng Nhân dân tệ đã xuất hiện trong nhiều tháng. Nếu PBOC chờ đợi cho đến sau khi Fed tăng lãi suất mới nới lỏng sự kìm kẹp đối với đồng Nhân dân tệ và cho phép phá giá, thì việc phá giá có thể còn gây xáo trộn lớn hơn và khiến đồng tiền này mất giá nhiều hơn so với mức giảm thực tế 3% cho đến nay.
Theo một chuyên gia ngoại hối ở Thượng Hải, mọi thứ giờ đây đã trở nên phức tạp hơn khi thị trường không chỉ lo ngại về Fed, mà còn nhiều thứ khác nữa.
Theo Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nước này sẽ chịu áp lực chủ yếu từ các yếu tố nội tại như công suất sản xuất dư thừa, tồn kho bất động sản lớn và khả năng cạnh tranh về xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tại Trung Quốc coi việc tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài là một mối đe dọa lớn. Nguồn vốn nước ngoài đã tháo chạy khỏi Trung Quốc với tốc độ chưa từng có trong năm 2015 và nếu tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại, việc thoái vốn có thể còn mạnh hơn.
Chiến lược gia ngoại hối David Woo của Bank of America Merrill Lynch cho rằng nếu tất cả dòng vốn vào Trung Quốc kể từ năm 2010 bị rút ra, sẽ có thêm khoảng 400 tỷ USD nữa có thể rời khỏi Trung Quốc. Còn nếu giả định tất cả dòng vốn vào Trung Quốc kể từ năm 2008 bị rút ra, thì mức thoái vốn có thể lên đến 700 tỷ USD .
Dòng vốn vào TQ và chênh lệch lãi suất giữa TQ và Mỹ
Về lý thuyết, với mức dự trữ ngoại hối 3,6 nghìn tỷ USD, Trung Quốc có thể đủ sức xử lý việc thoái vốn khỏi nước này, nhưng chuyên gia Woo cho rằng các quan chức Trung Quốc đang cạn kiệt công cụ để vực dậy nền kinh tế, buộc họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.
“Trung Quốc không thể cùng 1 lúc vừa hạ lãi suất vừa bảo vệ đồng Nhân dân tệ,” vị chuyên gia này nhận định.
Và một khi Fed tăng lãi suất, mà theo dự báo của Bank of America Merrill Lynch thì ngay trong tháng này, chênh lệch lãi suất của Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục bị thu hẹp, khiến dòng vốn rời khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh thêm.
Điều đó sẽ đặt ra một tình thế khó xử cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. PBOC đã cắt giảm lãi suất 4 lần kể từ tháng 11/2014. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng việc nới lỏng chính sách hơn là cần thiết để giảm chi phí vay cho các doanh nghiệp và ngăn ngừa nguy cơ giảm phát.
Nỗ lực để chấm dứt tình trạng tiến thoái lưỡng nan này có thể phải là phải sử dụng nhiều hơn các gói kích thích tài khóa và chính sách nới lỏng tiền tệ mục tiêu.