Cuối tháng 5/2014, CTCP Kinh Đô (KDC) hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, thu về hơn 1.700 tỷ đồng.
Năm nhà đầu tư tham gia mua cổ phần chủ yếu là những doanh nghiệp hoạt động hoặc có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, gồm Cty TNHH Tháp Láng Hạ - chủ đầu tư dự án 89 Láng Hạ, Hà Nội, CTCP Đồng Tâm (DTG), Cty TNHH MTV Thương mại Đồng Tâm (công ty con của CTCP Đồng Tâm), Cty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc và CTCP Đầu tư Trường Phát.
Trong đó, DTG và công ty Thương mại Đồng Tâm đã chi ra 457,6 tỷ đồng để mua tổng cộng 10,4 triệu cổ phiếu KDC. Khoản đầu tư này tương đương với 17% tổng tài sản và 80% vốn chủ sở hữu hợp nhất của DTG.
Mặc dù đã thực hiện khoản đầu tư rất lớn trên nhưng tổng tài sản cũng như tổng nợ phải trả của công ty không thay đổi nhiều so với cuối năm 2013. Nguồn tiền mua cổ phiếu có thể đến từ việc công ty đã bán đi một số khoản đầu tư tài chính khác, thu hồi được một số khoản phải thu lớn.
Trong số các khoản đầu tư dài hạn khác, hiện DTG đang nắm giữ 5 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư U&I. Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch DTG và ông Mai Hữu Tín, chủ tịch U&I hiện lần lượt là chủ tịch và phó chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Kiên Long.
Doanh thu lợi nhuận giảm mạnh so với nửa đầu năm 2013
Nửa đầu năm 2014, DTG đạt được 32,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ bằng 1/3 so với mức 93,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận có được chủ yếu là từ tiền bồi thường, tiền phạt vi phạm hợp đồng.
Trong khi đó, doanh thu giảm 35%, từ 841 tỷ xuống 544 tỷ đồng.
Hiện DTG còn lỗ lũy kế 66 tỷ đồng, xuất phát từ các khoản lỗ trong năm 2011 (lỗ 183 tỷ) và 2012 (lỗ 36 tỷ). Năm 2013, công ty lãi ròng 132 tỷ đồng.
Tạm lãi hơn 300 tỷ với khoản đầu tư vào Kinh Đô
DTG đầu tư vào Kinh Đô với giá vốn là 44.000 đồng/cp, trong khi đó thị giá hiện tại của cổ phiếu KDC là 74.000 đồng/cp, tức mỗi cổ phiếu đang lãi 30.000 đồng (tăng 68%).
Với 10,4 triệu cổ phiếu đang có, DTG đang có khoản lãi tạm tính là 312 tỷ đồng. Ngoài ra, DTG còn nhận hơn 10 tỷ đồng cổ tức.
Ngoại trừ phần cổ tức tiền mặt, theo quy định hiện hành thì khoản lãi này không được ghi nhận vào kết quả kinh doanh cho đến khi công ty bán ra một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư này. Đến tháng 6/2015 thì DTG mới có thể tự do chuyển nhượng số cổ phiếu trên. Biến động tăng giảm của cổ phiếu KDC cũng sẽ khiến khoản lãi tạm tính này tăng giảm tương ứng.
Đầu tư 1.760 tỷ đồng vào Kinh Đô, Đồng Tâm cùng các nhà đầu tư khác tham gia mua cổ phần hồi tháng 5/2014 hiện đang có khoản lãi trên giấy tờ là 1.200 tỷ đồng và đã nhận 40 tỷ đồng cổ tức tiền mặt.
>> Tháp Láng Hạ, Gạch Đồng Tâm trở thành cổ đông chiến lược của Kinh Đô
Kiến Khang