Doanh thu quý II/2015 của FMC sẽ không tích cực như cùng kỳ

(NDH) Trong các tháng tiếp theo, khi mặt bằng giá xuất khẩu tôm có chuyển biến tích cực hơn, VDSC cho rằng KQKD của FMC sẽ phản ánh dần những sự thay đổi này.

Kỳ vọng phục hồi cho hoạt động xuất khẩu tôm vào các quý còn lại của năm

Cuối tuần trước, Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VAESP) đã công bố số liệu xuất khẩu thủy sản Việt Nam tính từ đầu năm nay đến 15/05/2015. Theo đó, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam tính đến hết nửa đầu tháng 05 đạt 796,645 triệu USD, giảm mạnh khoảng 29,3% so với cùng kỳ, đặc biệt tại ba thị trường lớn là Mỹ (-53,9%), Nhật Bản (-24,6%) và EU (-10,7%).

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 20,6% giá trị xuất khẩu. Lũy kế đến nửa đầu tháng 05, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam tại thị trường đạt 163,955 triệu USD, giảm mạnh 53,9% so với cùng kỳ. Theo tìm hiểu, nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh là do lượng hàng tồn kho cao từ năm ngoái khiến sản lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh (khoảng 28%).

Trong khi đó, nhờ kiểm soát được dịch bệnh trên tôm (EMS), nguồn cung từ các nước xuất khẩu tôm lớn khác như Indonexia, Thái Lan, Ấn Độ và Mexico gia tăng mạnh khiến mặt bằng chung của giá giảm. Theo thống kê, giá bán xuất khẩu tôm của Việt Nam tại thị trường Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay giảm mạnh (-18,4%), tuy nhiên, mặt bằng giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn ~10-14% so với các nước xuất khẩu khác.

Có thể thấy, giá bán và sản lượng tôm giảm trong các tháng đầu năm nay không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà đến từ xu hướng chung của thế giới. Trong các quý còn lại của năm, khi kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi ở các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, CTCP Chứng Khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu ở các thị trường này có thể chưa có nhiều cải thiện đáng kể. Do đó, thị trường Mỹ được dự báo sẽ “hấp thụ” phần sản lượng tăng thêm đến từ nguồn cung các nước như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.

Thị trường Mỹ, đồng thời, cũng được kỳ vọng góp phần giúp thay đổi mặt bằng giá tôm thế giới khi lượng hàng tồn kho trong các quý cuối năm 2014 được tiêu thụ hết. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng dự đoán mức giá này có thể tăng từ 5-10% từ cuối quý II năm nay. Như vậy, sự hồi phục của thị trường tôm sẽ có nhiều tín hiệu khả quan từ sau quý II/2015 nếu những yếu tố trên có những phản ứng tích cực.

Doanh thu quý II/2015 của FMC sẽ không được tích cực như cùng kỳ

Trong các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang được niêm yết trên sàn, FMC nhận được khá nhiều sự chú ý. Mỹ và Nhật Bản vẫn là hai thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm của FMC, lần lượt có tỷ trọng 46% và 38% (2014).

Tuy nhiên, từ quý I/2015, để bù đắp phần sụt giảm từ các thị trường này, FMC đã đẩy mạnh xuất khẩu sang EU nhằm tận dụng ưu thế từ việc xóa bỏ ưu đãi thuế của mặt hàng tôm xuất khẩu của Thái Lan tại EU. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu vào EU của doanh nghiệp trong quý I/2015 cũng tăng từ 2% lên 11%.

Ngoài ra, qua thống kê số liệu giá trị xuất khẩu, VDSC quan sát thấy có sự gia tăng về thị phần của FMC tại cả ba thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản và EU. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của FMC vẫn ghi nhận khả quan, tuy nhiên, theo chuyên viên ngành, do ảnh hưởng bởi mặt bằng giá xuất khẩu hiện nay, doanh thu trong quý II/2015 của doanh nghiệp sẽ không được tích cực như cùng kỳ năm ngoái.

Trong các tháng tiếp theo, khi mặt bằng giá xuất khẩu tôm có chuyển biến tích cực hơn, VDSC cho rằng KQKD của FMC sẽ phản ánh dần những sự thay đổi này.