Doanh thu giảm, Petrolimex vẫn lãi lớn

Doanh thu quý I/2015 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giảm 25% nhưng lãi tăng 80%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 vừa được Petrolimex công bố cho thấy, trong quý I/2015, doanh thu của Petrolimex đạt 37.936 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ năm trước là trên 50,4 ngàn tỷ).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex quý qua lại đạt 461 tỷ đồng - tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2014, Petrolimex chỉ lãi khoảng 255 tỷ đồng).

Theo báo Tuổi trẻ, nếu so với kết quả kinh doanh năm trước thì đây là khoản lãi ấn tượng bởi năm 2014 Petrolimex công bố bị lỗ hơn 9 tỷ.

Petrolimex lãi ấn tượng so với năm ngoái
Petrolimex lãi ấn tượng so với năm ngoái

Lợi nhuận của Petrolimex đến từ đâu luôn là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 6 lần tăng giảm, trong đó tổng mức tăng lớn hơn tổng mức giảm. Cụ thể, ngày 6/1 giảm 310 đồng/lít, tiếp đến ngày 21/1 mặt hàng này giảm tới 1.900 đồng/lít. Tuy nhiên, ngày 11/3, mặt hàng này bất ngờ đảo chiều tăng mạnh, giá xăng đã được liên bộ cho phép tăng cao nhất là 1.616 đồng.

Tiếp đến ngày 26/3 giá xăng Ron 92, xăng sinh học E5 Ron 92 và dầu diesel giữ nguyên, trong khi dầu hỏa và dầu madút có mức giảm từ 108-250 đồng/lít (kg). Đến ngày 13/4 liên bộ công giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu không đổi so với ngày 26/3, tuy nhiên đến ngày 5/5 giá xăng đã tăng mạnh trở lại với mức tăng cao nhất là 1.950 đồng/lít.

Riêng mặt hàng xăng sinh học E5 từ đầu năm đã điều chỉnh 6 lần, trong đó giảm 3 lần (ngày 5/2 giảm thêm 320 đồng/lít so với xăng Ron 92) và 1 lần tăng, 3 lần giữ nguyên.

Cùng với việc tăng giá, Petrolimex còn được xả quỹ bình ổn giá. Theo Bộ Tài chính, sau 3 tháng đầu năm, số dư quỹ bình ổn của Petrolimex là trên 1.924 tỷ đồng. Petrolimex đã trích tổng cộng hơn 993 tỷ đồng và chi trên 1.232 tỷ đồng trong quý 1 của năm nay.

Từng trao đổi với Đất Việt, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) cho biết, nếu lãi nhờ tăng giá thì không được coi là nỗ lực của doanh nghiệp, nhưng chúng ta vẫn đang coi đó là sự nỗ lực của doanh nghiệp thì tội gì các doanh nghiệp không làm vì tăng giá là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận dễ nhất.

"Đáng lẽ, tăng lợi nhuận phải là do tăng năng suất, tăng hiệu quả, chứ không phải nhờ tăng giá. Đối với các nước trên thế giới, họ không bao giờ chấp nhận những doanh nghiệp công ích có giá năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có áp lực buộc doanh nghiệp phải tăng năng suất", TS Nguyễn Đình Cung nói.

"Như vậy nghĩa là về quản lý doanh nghiệp chúng ta phải thay đổi nhiều, cơ chế quản lý hiện nay không còn hiệu quả nữa, không phù hợp nữa. Thay đổi đầu tiên là các chủ sở hữu, chính là các Bộ chủ quản phải xác định được mình muốn gì ở các doanh nghiệp.

Điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi của các doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn phát triển được, muốn có lãi suất thì phải nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả, lấy các chỉ tiêu về chất để đo lường hiệu quả kinh doanh chứ không thể lấy giá, thậm chí cũng không thể lấy lợi nhuận để đo lường trong bối cảnh các doanh nghiệp còn độc quyền như hiện nay", TS Cung nói.