Doanh nghiệp thích ứng dần với các rủi roTheo số liệu Hải Quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt gần 1,28 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra sang 2 thị trường truyền thống, lớn nhất của ngành đều giảm khá mạnh. Cụ thể giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm sang thị trường EU đạt hơn 261 triệu USD, giảm 8,4%; thị trường Hoa Kỳ đạt 240,8 triệu USD, giảm 16,7%.
Trong khi đó, xuất khẩu cá sang các thị trường mới lại tăng trưởng khá mạnh như: Asean đạt 102,7 triệu USD, tăng 12,4%; Brazil đạt gần 94 triệu USD, tăng 18,2%; Trung Quốc và Hồng Kong đạt 77,1 triệu USD, tăng 17,9%;...
Số liệu này cho thấy việc chuyển dịch thị trường tiêu thụ, giảm phụ thuộc vào thị trường lớn (EU, Hoa Kỳ) cũng như tránh rủi ro từ các rào cản thương mại của các doanh nghiệp cá tra đang gặt hái kết quả.
Thống kê kết quả kinh doanh 6 doanh nghiệp đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán cho thấy tăng trưởng bình quân 9 tháng đầu năm 2014 đối với doanh thu là 14%; lợi nhuận gộp là 20,6%; lợi nhuận sau thuế là 184,6%.
Nguồn BCTC công ty mẹ, công ty Quý III/2014. ĐVT: Tỷ đồng
Như vậy khó khăn đã khiến doanh nghiệp thắt chặt kiểm soát các chi phí liên quan đến hoạt động, chi phí sản xuất, giá cá nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng giảm đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí lãi vay lớn.
Thêm đó, một số doanh nghiệp trong ngành đã tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro đến từ con cá thông qua việc đa dạng hóa hàng hóa – kinh doanh bã đậu nành, phụ phẩm.
Soi báo cáo tài chính của 6 doanh nghiệp này thấy rằng, các doanh nghiệp đã kiểm soát chặt chi phí hơn. Ngay cả doanh nghiệp có chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước thì tốc độ tăng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu.
Ngoài trừ AGF có biên lợi nhuận gộp giảm, 5/6 doanh nghiệp còn lại đều có biên lợi nhuận gộp tăng, và ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn BCTC công ty mẹ, công ty Quý III/2014
Chúng tôi đánh giá,
việc cải thiện biên lợi nhuận gộp và chi phí lãi vay giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm tiêu thụ là yếu tố quyết định đến kết quả kinh doanh trong kỳ của các doanh nghiệp này. Chế biến cá tra xuất khẩu – còn nhiều khó khăn phía trướcBáo cáo của Sở nông nghiệp các tỉnh như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre cho biết diện tích nuôi trồng cá tra đều tăng, nhưng sản lượng giảm do dịch bệnh và thời tiết. Giá cá tra trong 8 tháng đầu năm giảm.
ACL là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong 6 doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Đại diện ACL cho biết, giá vốn hàng bán đã giảm mạnh đến hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng và lãi vay giảm đã giúp doanh nghiệp này hoạt động có lãi vững chắc hơn.
Theo số liệu thống kê, 20 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra lớn đầu ngành đang đóng góp khoảng 70% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 10 doanh nghiệp lớn nhất ngành cá tra đóng góp hơn 52% và 7 doanh nghiệp đã và đang niêm yết đóng góp 38,3% giá trị xuất khẩu 9 tháng.
Ở thái cực ngược lại, giá cá đầu vào giảm ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi cá, sự tăng trưởng cao lợi nhuận của các doanh nghiệp, thị phần thuộc về các doanh nghiệp lớn thì sóng ngầm nội ngành khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, thuế chống bán phá giá cá tra giảm, nhưng thị trường Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm nhập khẩu cá da trơn từ các nước thay vào đó tăng nhập khẩu cá rô phi từ Trung Quốc. Điều này phản ánh giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Hoa Kỳ 9 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh đến 16,7% so với cùng kỳ năm trước, dự báo xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn giảm trong thời gian tới.
Khó khăn về thị trường và siết chặt quản lý chi phí vì mục tiêu tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp có thể khiến giá cá tra lao dốc và kéo theo đó là cuộc “khủng hoảng” nguyên liệu cho chế biến sẽ tái diễn.
Thanh Giang