Doanh nghiệp xi măng Việt Nam: Cam chịu thâu tóm hay tự tạo phép màu

Dần phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu gia tăng, song ngành xi măng Việt Nam vẫn cần một chiến lược dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt, trong đó có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ hiện muốn thâu tóm thị trường.

Sau làn sóng thâu tóm ồ ạt nhà máy xi măng yếu kém ở Việt Nam cách đây 2 năm, các doanh nghiệp nước ngoài đang quay trở lại thực hiện tiếp ý đồ. Mới đây, Công ty Sản xuất xi măng quốc doanh PT Semen Gresik Indonesia (SMGR) đã tiết lộ ý định thâu tóm thêm nhà máy xi măng tư nhân đang nắm khoảng 4% thị phần tại Việt Nam. Dự kiến, thương vụ này sẽ được hoàn thành vào cuối quý II/2015.

SMGR cũng là công ty mẹ của Công ty Xi măng Thăng Long và đang sản xuất khoảng 2,5 triệu tấn xi măng mỗi năm tại Việt Nam. SMGR hiện coi Việt Nam là một phần trong chiến lược tận dụng lợi thế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành cuối năm nay. Nếu các nhà sản xuất quy mô vừa trong nước không tự làm mình mạnh lên thì nguy cơ bị thâu tóm sẽ trong tầm tay.

Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Cosevco) là một trong ít nhà máy duy trì công suất hoạt động bình quân 100%
Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Cosevco) là một trong ít nhà máy duy trì công suất hoạt động bình quân 100%

Lấy lại đà tăng trưởng, nhưng…

Nhu cầu nhà ở đang nóng trở lại và cái nhìn tích cực của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường bất động sản đã giúp ngành xi măng Việt Nam lấy lại được đà tăng trưởng sau thời kỳ lao dốc. Năm 2014, tổng sản lượng tiêu thụ tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 50,98 triệu tấn, tăng 40% so với năm 2010 - thời điểm đáy của khủng hoảng; xuất khẩu đạt 19,5 triệu tấn, vượt mục tiêu cả năm và đạt doanh thu gần 1 tỷ USD.

Song kết quả trên không thể giúp ngành xi măng đủ lực để chống chọi với thách thức khắc nghiệt phía trước, nhất là khi đại gia nước ngoài trong lĩnh vực này đang coi Việt Nam là một phần trong chiến lược nhằm tận dụng lợi thế trong AEC.

Gần đây, Tạp chí Xi măng quốc tế (thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất xi măng ở Anh) có đăng báo cáo phân tích về ngành xi măng Việt Nam của Công ty cổ phần StoxPlus. Báo cáo chỉ rõ những điểm yếu của ngành này.

Đầu tiên, một trong những khó khăn của ngành là năng suất thấp dẫn đến chi phí sản xuất cao và tỷ lệ lợi nhuận trước khấu hao, thuế và chi phí lãi vay (EBITDA) có biên độ thấp. Phần lớn các nhà máy xi măng Việt Nam chỉ có mức EBITDA từ 15 đến 20%, trong khi các thị trường trong khu vực khoảng 25-30%. Trừ một vài nhà máy khu vực phía Nam, còn lại các cơ sở sản xuất xi măng không sử dụng hết công suất. Hiệu suất sử dụng trung bình năm 2012 chỉ quanh mức 77%, thậm chí các nhà máy phía Bắc chỉ đạt 63%.

Thứ hai, chi phí nhiên liệu cao và nguồn nhiên liệu thay thế hạn chế. Hiện nguồn nhiên liệu như than, ga và điện chiếm 64% chi phí sản xuất clinker ở Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức bình quân trong khu vực. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nhiên liệu thay thế và nguyên vật liệu thô thường được áp dụng ở các nước khác để giảm chi phí lại không phổ biến ở Việt Nam do chi phí sản xuất cao.

Thứ ba, ngành xi măng Việt Nam phát triển sau Thái Lan khoảng 1 thập kỷ và sau Trung Quốc khoảng 20 năm. Do đó, trong khi các nhà máy xi măng Trung Quốc và Thái Lan đã hết khấu hao và trả được nợ, thì các nhà máy của Việt Nam chỉ mới bắt đầu, dẫn đến việc khấu hao lớn, chi phí lãi vay cao.

Thứ tư, đòn bẩy tài chính cao. Việc phát triển các cơ sở sản xuất xi măng Việt Nam dựa chủ yếu vào vốn đi vay, đặc biệt là các khoản vay bằng ngoại tệ. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các công ty xi măng niêm yết hiện ở mức 3,9 lần, thậm chí ở Xi măng Hạ Long lên tới 11,5 lần, Xi măng Cẩm Phả là 22,3 lần.

Ngoài ra, ngành xi măng Việt Nam còn thiếu chiến lược xuất khẩu dài hạn. Theo nhận định của StoxPlus, trong khi các hợp đồng xuất khẩu dài hạn mang lại mức doanh thu tốt hơn, thì các công ty xi măng của Việt Nam không đảm bảo việc này. "Các nhà sản xuất trong nước chưa có chiến lược xuất khẩu dài hạn, vẫn coi xuất khẩu chỉ là giải pháp tạm thời, hoặc mang tính thời vụ trong khi nhu cầu trong nước chưa thật sự bứt phá", báo cáo StoxPlus nhận định.

Chiến lược chuyển mình

Việt Nam cần đầu tư 220 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng vào năm 2030, với tổng giá trị xây dựng khoảng 127 tỷ USD. Theo kế hoạch này, trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ thực hiện rất nhiều dự án giao thông. Đây là tín hiệu tốt cho các nhà sản xuất xi măng khi nhu cầu tiếp tục tăng trong trung và dài hạn. Dự kiến, tiêu thụ trong nước trong vòng 5 năm tới sẽ đạt khoảng 51-53 triệu tấn, nhưng xuất khẩu vẫn chỉ quanh mức 20 triệu tấn (năm 2014 đạt 19,5 triệu tấn).

Trong báo cáo nêu trên, StoxPlus giả định, dù cầu về xi măng trong nước tăng trưởng 5,5% mỗi năm, thì đến năm 2026, sản xuất xi măng trong nước vẫn vượt cầu. Cung vượt cầu kéo dài đòi hỏi các nhà đầu tư trên thị trường phải thay đổi tư duy, nếu họ muốn tiếp tục vận hành các nhà máy của mình có lãi.

Thực tế, trong thời gian qua, các nhà sản xuất xi măng trong nước đã có những bước đi nhằm thay đổi cục diện này. Từ năm 2010, họ đã xuất khẩu một lượng xi măng, clinker ổn định, từ mức 0,7 triệu tấn năm 2010 tăng lên 9 triệu tấn năm 2012, 15 triệu tấn năm 2013 và 19,5 triệu tấn năm 2014. Những thị trường xuất khẩu chủ lực là Bangladesh, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Malaysia.

Cầu xi măng thế giới tăng trong năm 2014 đã có lợi cho các nhà sản xuất xi măng Việt Nam, trong khi các nhà sản xuất khác ở châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia không thể tăng công suất. Thế nhưng, lợi thế này sẽ bị giảm dần kể từ năm 2015 trở đi khi các đối thủ đó kịp cải thiện công suất.

Trong khi xuất khẩu có thể là lựa chọn tốt cho nhiều nhà máy xi măng để duy trì và nâng cao công suất, thì hệ thống cảng biển của Việt Nam lại không đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, mới chỉ có Xi măng Thăng Long, Xi măng Chinfon, Xi măng Cẩm Phả tận dụng được lợi thế cảng biển và trở thành tên tuổi xuất khẩu tích cực nhất trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, để thực thi chiến lược xuất khẩu thành công, Việt Nam cần có các nhà máy lớn đặt gần cảng, với nguồn nguyên vật liệu thô tốt và công nghệ sản xuất hiện đại để có thể cạnh tranh trên chính thị trường trong nước với các đối thủ ngoại và vươn ra thị trường quốc tế mạnh mẽ hơn. Song có nhiều doanh nghiệp không ngồi chờ điều này được thực thi. Họ đang tự làm mình mạnh lên.

Nhà máy Xi măng Sông Gianh (XMSG) do Tổng công ty Miền Trung (Cosevco) sở hữu 100% là ví dụ. Sau 3 năm tái cấu trúc, XMSG đã trở thành đơn vị chủ lực của Cosevco, với tốc độ phát triển nhanh nhất và là một trong ít nhà máy duy trì công suất hoạt động bình quân 100%. Kể từ năm 2012, sản lượng của nhà máy đã tăng lên mạnh mẽ. Năm 2014, sản lượng toàn nhà máy đạt 1,77 triệu tấn, tăng 31% so với năm 2013 và 55% so với năm 2012; sản lượng clinker đạt 1,394 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2013.

Hiệu suất sản xuất đạt 110% công suất thiết kế không những giúp XMSG nhanh chóng qua mặt các nhà máy khác ở Việt Nam, mà còn trở thành một điển hình sống lại nhờ chiến lược mới và ban quản lý mới sau khi được cổ phần hóa. Các nhà đầu tư mới đã áp dụng chiến lược kinh doanh lâu dài, các động thái được xử lý linh hoạt theo xu hướng thị trường. Đặc biệt, XMSG xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, khả năng cung cấp sản phẩm hiệu quả và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp. Thị phần của XMSG tăng từ 14% năm 2012 lên 23% năm 2014.

Một điển hình khác cần nhắc đến như một điểm sáng trong xuất khẩu xi măng là Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai Ninh Bình (The Vissai). Hiện The Vissai sở hữu 4 nhà máy xi măng với tổng công suất 13,6 triệu tấn năm. Công ty này sở hữu quyền khai thác nguyên vật liệu thô kết hợp với công nghệ hiện đại, chi phí nguyên liệu thô rẻ. Đặc biệt, Công ty sở hữu một hệ thống gồm 70 nhà phân phối, xuất khẩu sang 30 nước và vùng lãnh thổ.

Năm 2010, trong lúc ngành xi măng cần một "phép nhiệm màu" khi cung vượt cầu, thì Vissai lại ẵm được một hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker/năm cho Bangladesh. Đó là bước đệm để mỗi năm công ty này xuất khẩu tới 1/3 sản lượng. Các tên tuổi nhập khẩu sản phẩm của The Vissai có thể kể đến như Công ty HeidebergCement (Đức), Cemex (Mehico), Adelaide Brighton Group (Australia), Pagase (Thụy Sĩ).

Như vậy, dù thách thức vẫn còn ở phía trước khi ngành xi măng vốn phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động xây dựng theo xu hướng phát triển của chu kỳ kinh tế, nhưng một số nhà đầu tư đang có chiến lược chuyển mình để đáp trả lại sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đang muốn thâu tóm thị trường xi măng Việt Nam.