Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi đậm

Hôm nay, 1-11, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính thức có hiệu lực. Dù đã qua vài lần giảm giá gần đây nhưng tới  thời điểm hiện tại mỗi lít xăng dầu bán ra DN vẫn đang lãi đậm: từ 537 đến 1.067 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng thế giới vẫn tiếp tục hạ nhiệt.

Bỏ túi tiền tỷ

Giá xăng dầu thành phẩm đang biến động theo hướng có lợi cho người sử dụng. Theo bảng tính giá cơ sở (giá để hình thành giá bán lẻ bao gồm các yếu tố như giá nhập khẩu, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh…), ngày 30-10 giá nhập về cảng của mặt hàng dầu WTI còn 81,12 đôla Mỹ/thùng.

Tương tự với mặt hàng đầu vào của đầu vào xăng Ron A92, A95 lần lượt còn 97.08 đôla Mỹ/thùng và 100,17 đôla Mỹ/thùng, dầu DO 0,05S là 99,335 đôla /thùng, dầu DO 0,25S là 98,91 đôla Mỹ/ thùng. Trước đó, ngày 29-10, giá của mặt hàng xăng ron A92 còn ở ngưỡng thấp hơn, chốt ở mức 95,30 đôla Mỹ /thùng, và 98,29 đô la Mỹ/thùng đối với xăng Ron A95. Giá dầu DO 0,05S là 98.7310 đôla Mỹ/thùng, dầu DO 0,25S là 98,30 đôla Mỹ/thùng.

Do giá bình quân 15 ngày của mặt hàng xăng dầu giảm nhiệt, nên giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ hiện hành 1.067 đồng/lít đối với xăng ron A92, và thấp hơn 877 đồng/lít đối với mặt hàng dầu DO. Như vậy, mỗi lít xăng dầu bán ra DN đang lãi ròng từ 877 đồng đến 1.067 đồng. Đây được nhìn nhận là mức lãi lớn.

Còn nếu tính theo giá bình quân của 30 ngày, sau khi cộng tất cả các khoản thuế, phí, lợi nhuận định mức, định mức kinh doanh…, giá cơ sở của mặt hàng xăng Ron A92 cũng đang thấp hơn giá bán lẻ 537 đồng/lít , giá cơ sở mặt hàng dầu DO cũng thấp hơn giá bán lẻ 494 đồng/lít. Mức chênh lệch từ 494 đồng/lít đến 537 đồng/lít cũng đem lại lợi nhuận khủng cho 23 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu mỗi ngày.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, lãnh đạo một DN đầu mối phía Nam cho biết, chiết khấu dành cho đại lý hiện ở mức 800 đồng/lít. Trong khi đó theo tìm hiểu của phóng viên, có một số đầu mối còn chiết khấu ở mức cao hơn, và thay đổi theo từng ngày.

Do mỗi DN đầu mối nhập khẩu có lượng hàng nhập khẩu khác nhau, thời gian nhập hàng khác nhau nên mức lãi cũng xê dịch theo chiều hướng tăng lên. Một tính toán trong ngành còn đưa ra mức lãi của DN xăng dầu có thị phần lớn đang ở mức 687 đồng đối với mỗi lít xăng bán ra và 551 đồng đối với dầu DO.

Hôm nay giá gas giảm thêm
3.330 đồng/kg

Từ hôm nay 1-11, giá gas bán lẻ sẽ giảm 3.330 đồng mỗi kg, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy, mỗi bình gas 12kg đến tay người tiêu dùng sẽ có giá khoảng 341.000 đồng, giảm 40.000 đồng so với tháng 10. Theo các DN bán lẻ, nguyên nhân khiến giá gas tháng 11 giảm là do các nhà cung cấp thế giới công bố giảm 145 USD so với tháng 10, về 605 USD mỗi tấn.

Thông thường cứ mỗi 10 ngày, giá xăng bán lẻ sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm dựa theo tình hình giá thế giới bình quân 30 ngày. Cụ thể, vào ngày 23-10 vừa qua giá xăng đã giảm 550 đồng/lít; ngày 19-10 giá dầu giảm, giá xăng giữ nguyên, nhưng trước đó nữa ngày 13-10 giá xăng cũng giảm 670 đồng/lít. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, cơ quan này đang heo dõi sát diễn biến giá xăng dầu quốc tế và trong nước. Và không để thiệt cho người tiêu dùng.

Trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 37,5 triệu lít xăng dầu các loại. Như vậy, giá xăng dầu trong nước chỉ cần giảm chậm 2 ngày thì DN đã lãi lớn có lãi, bỏ túi tiền tỷ. Đơn cử với mức giá cơ sở ngày 29-10, giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành là 596 đồng/lít, thì có nghĩa DN sinh lãi được hơn 22 tỷ đồng/ngày.

Nghị định 83 chính thức vào guồng

Cũng bắt đầu từ hôm nay Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 có hiệu lực. Thị trường xăng dầu, nguyên tắc tính toán giá cơ sở sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 83 và thông tư Thông tư 38/2014/TT-BCT. Và nếu thực hiện ngay Nghị định 83 giá xăng sẽ giảm ngay.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, đại diện một DN kinh doanh xăng dầu có thị phần khá lớn cho rằng, vấn đề là cơ quan quản lý có áp dụng triệt để Nghị định 83 hay không. Nếu áp dụng, giá xăng dầu nội địa chắc chắn sẽ linh hoạt hơn rất nhiều.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, thị trường xăng dầu chưa bao giờ được vận hành và thực hiện vận hành theo đúng nghĩa. Nghị định 84 cũ và Nghị định 83 mới được vận hành đều ghi rõ nội dung biến động giá cơ sở. Nhưng từ trước đến giờ và ngay thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý đang điều hành theo giá trần.

Bản chất của Nghị định 83 mới là chia nhỏ biên độ biến động giá cơ bản và quan trọng hơn là quyền định giá là DN, mà cụ thể là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Các biểu giá đều lấy số liệu từ tập đoàn này. Tập đoàn lại đang chiếm thị phần chính trên "miếng bánh" kinh doanh xăng dầu. Vì thế, nói như TS Lê Đăng Doanh, trong lĩnh vực này chưa có cạnh tranh thực sự. 3 DN Petrolimex, PV Oil, Sài Gòn Petro chiếm 75% thị phần (trong đó Petrolimex chiếm 47%). Như vậy, khi cần họ sẵn sàng bắt tay nhau lên giá hoặc cùng nhau giảm giá. Vì thế mới có chuyện khi giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm ngay.