Theo bà Lê Bích Loan, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP),Công ty TNHH Công nghệ Bán dẫn Sài Gòn (Saigon Semiconductor Technology Inc. - SSTI) - một doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã có được giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo và sản xuất chip bán dẫn IC tại SHTP, quận 9.
SSTI đã thành lập Công ty TNHH MTV Công nghệ bán dẫn Quốc tế để phát triển nhà máy này trên diện tích 2 héc ta với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 257,5 triệu đô la Mỹ. Theo bà Loan nhà máy này sẽ sản xuất chip ứng dụng cho ngành viễn thông.
Cụ thể với dự án này, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy chế tạo mạch điện tích hợp chất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam, một trung tâm nghiên cứu phát triển và một dây chuyền thực nghiệm nghiên cứu phát triển đa năng, bao gồm linh kiện thông tin cao tần HF và sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đi-ốt phát quang LED và pin mặt trời quang điện.
Theo SHTP, các sản phẩm của dự án nhà máy này làm ra không những sẽ đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; mà còn kéo theo các công ty liên minh (các công ty cung ứng nguyên vật liệu, chuỗi khách hàng liên kết, các công ty phân phối,…) hình thành một ngành công nghiệp bán dẫn hợp chất tại Việt Nam.
Đây cũng là doanh nghiệp tư nhân 100% vốn trong nước đầu tiên đầu tư nhà máy bán dẫn tại SHTP.
Như vậy so với dự án đầu tư nhà máy vi mạch của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) tại SHTP, thì SSTI có quyết định đầu tư nhanh hơn.
CNS là chủ dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử với vốn đầu tư khoảng 6.600 tỉ đồng, mặc dù đã lên kế hoạch khá lâu(từ năm 2011), nhưng đến nay CNS chưa có giấy phép đầu tư phát triển nhà máy tại SHTP.
Dự án của CNS nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM. Một nguồn tin từ Ban quản lý SHTP cho biết hiện CNS vẫn tiếp tục theo đuổi đầu tư dự án này và khu công nghệ cao cũng đã sẵn sàng khoảng 10 héc ta đất để nhà đầu tư xây dựng nhà máy.
Từ giữa năm 2012, UBND TPHCM đã đưa ra "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM" với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch sẽ đạt doanh thu 100 - 150 triệu đô la Mỹ, đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên, ươm tạo khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Dự tính, chi phí ban đầu cho chương trình là 7.506 tỉ đồng, trong đó bao gồm dự án nhà máy của CNS.
|