Doanh nghiệp thép trong nước: Có thể “mặc kệ” Formosa?

Doanh nghiệp thép trong nước: Có thể “mặc kệ” Formosa?

Cuối cùng thì cuộn thép cán nóng đầu tiên của dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa cũng đã ra lò vào ngày 24/12/2015 vừa qua.

Dù mới chỉ là sản phẩm đầu tiên trong quá trình chạy thử dây chuyền sản xuất, nhưng nó cũng đã đặt một dấu mốc quan trọng cho dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất VN này, và cũng có thể có tác động đáng kể đến thị trường thép trong nước.

Sản phẩm thép cuộn cán nóng (sản phẩm quan trọng nhất của ngành thép) lần đầu tiên được sản xuất ở Việt Nam.

Bắt đầu với số vốn đăng ký đầu tư là 7,8 tỷ USD từ năm 2008, sau đó tăng lên 9,9 tỷ USD và hiện tại đang là 10,5 tỷ USD, dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa đã từng gây không ít nghi ngờ về tính khả thi cho cả những người trong ngành và chuyên gia kinh tế.

Giấc mơ sắp thành

Nghi ngờ là bởi sau 4 năm kể từ khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư mới bắt đầu xây dựng dự án. Và còn là bởi với một tập đoàn chưa hề có một chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép, thì tính khả thi về việc xây dựng và vận hành một nhà máy có quy mô quá lớn cũng là một dấu hỏi.

Theo như công bố của Formosa thì giai đoạn 1 của dự án nhà máy thép sẽ có công suất 7,5 triệu tấn. Nếu so với nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy lớn nhất miền bắc hiện tại, thì công suất của nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh lớn gấp gần 12 lần. Đó là còn chưa kể đến kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 26 tỷ USD và nâng công suất lên 22,5 triệu tấn thép một năm mà Formosa đã công bố trước đó. Một đại diện của tập đoàn Formosa (yêu cầu giấu tên với lý do không được quyền phát ngôn) cho biết hiện kế hoạch mở rộng đầu tư này vẫn đang được tập đoàn cân nhắc. Nếu như công xuất nhà máy được nâng lên 22,5 triệu tấn thép, thì đây sẽ là một trong những nhà máy thép lớn nhất thế giới.

Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương là dự án sản xuất thép đầu tiên của Formosa trên thế giới. Nổi danh là tập đoàn công nghiệp lớn nhất Đài Loan, lĩnh vực chính của Formosa lại là hóa dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ. Đại diện của Formosa nói rằng sản xuất thép chính là giấc mơ còn dang dở của người sáng lập ra tập đoàn Formosa. Và khi sản phẩm đầu tiên đã ra lò, có thể nói giấc mơ đó đã dần thành hiện thực.

Những sản phẩm mà Formosa cung cấp lại đang là điểm yếu của ngành thép trong nước chưa làm được.

Nguy hay cơ?

Như vậy, khi lò cao đầu tiên của nhà máy thép Formosa đi vào hoạt động thương mại trong nửa đầu năm 2016 này, có làm tăng sức ép cạnh tranh lên các nhà sản xuất thép khác trong nước?

“Chúng tôi không cạnh tranh với các nhà sản xuất khác trong nước” – đại diện của Formosa khẳng định. Ông này lý giải rằng Formosa sẽ tập trung vào sản xuất phôi thép và các sản phẩm thép dành cho các ngành sản xuất công nghiệp như chế tạo ô tô, đóng tàu và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Phần lớn các nhà máy thép trong nước đang tập trung vào các sản phẩm thép xây dựng, còn chúng tôi phần lớn là cung cấp nguyên liệu thép cho các sản phẩm như vậy” – đại diện của Formosa chia sẻ.

Tuyên bố trên của đại diện Formosa trước đó cũng đã được Bộ Công thương làm rõ trong một báo cáo về tác động của nhà máy Formosa đến thị trường thép năm ngoái. Theo báo cáo này thì sản phẩm trong giai đoạn 1 của nhà máy Formosa sẽ là thép cuộn cán nóng phục vụ cho sản xuất nồi hơi, thép kết cấu ô tô, làm ống, làm thân tàu, thép cường độ cao và dùng làm nguyên liệu cho cán nguội với sản lượng 5,153 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra sẽ có 1,2 triệu tấn thép sợi gồm các loại thép kết cấu carbon chất lượng cao, thép hợp kim, thép lò xo, làm trục khủy cùng 467.000 tấn phôi vuông (dùng để cán thép xây dựng). Như vậy, rõ ràng Formosa không gây ra nhiều áp lực cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất thép hiện tại trong nước.

Ngược lại, những sản phẩm mà Formosa cung cấp lại đang là điểm yếu của ngành thép trong nước chưa làm được. Hiện tại, hầu hết lượng thép cuộn cán nóng dùng cho sản xuất công nghiệp và các loại thép chất lượng cao đều đang phải nhập khẩu từ bên ngoài. Cuối năm ngoái Bộ Tài chính thậm chí còn đưa mức thuế nhập khẩu của thép cuộn cán nóng về 0% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Trong báo cáo phân tích về thị trường thép mới được đưa ra, Cty Chứng khoán HSC cho rằng nhà máy thép Formosa là “mối đe dọa về dài hạn đối với tất cả các DN sản xuất thép xây dựng trong nước.” Nhưng HSC cũng thừa nhận sự lo ngại này “sẽ không trở thành hiện thực trong vài năm nữa”, do Formosa sẽ tập trung vào các sản phẩm nguyên liệu cho ngành thép trong thời gian đầu và cũng hướng nhiều hơn tới thị trường xuất khẩu.

Như vậy, khi Formosa vẫn chưa phải là mối đe dọa đối với các nhà máy thép khác trong nước, đây lại là cơ hội để các DN trong nước bắt tay với Formosa để cùng kinh doanh. Bởi nhà máy sản xuất thép lớn nhất cả nước này đang cung cấp cái mà các nhà máy thép khác, và cả các nhà máy sản xuất công nghiệp khác như ô tô, kết cấu thép và đóng tàu đang phải đi mua, đó là nguyên liệu đầu vào.

“Từ đây nhu cầu vật liệu thép cán nóng trong nước không còn phải hoàn toàn dựa vào sự nhập khẩu từ nước ngoài nữa, không những có thể tiết kiệm lượng lớn số tiền chi trả ngoại hối, mà còn đào tạo nên những nhân tài kỹ thuật của ngành công nghiệp, quan trọng hơn nữa là kéo theo sự phát triển đa dạng hóa ngành nghề sản xuất gang thép của VN” – tập đoàn Formosa nhấn mạnh trong một bản thông báo cuối tuần trước.