Chưa có định hướng chính sách cụ thể
Chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa, lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% đối với lĩnh vực ô tô sẽđược thực hiện. Lo lắng là cảm nhận chung của nhiều doanh nghiệp với mốc thời gian này.
Tại tọa đàm"Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô" do Bộ Công Thương tổ chức đầu tuần này, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) tỏ ra sốt ruột: "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt từ tháng 7-2014, nhưng đến nay là tháng 4-2015 vẫn chưa có định hướng chính sách cụ thể để có định hướng cho doanh nghiệp triển khai chiến lược, trong khi thời gian còn lại rất ngắn".
Chưa kể đến, khi hội nhập ASEAN, trong khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thì các nước Malaysia, Thái Lan... đều có hàng rào bảo hộ. "Nói bảo hộ nghe "nặng" nhưng đó là trợ lực để phát triển sản xuất. Còn bản thân doanh nghiệp không xin quá nhiều và cũng không thể dựa vào bảo hộ để phát triển lâu dài", ông Dương nói.
Trong khi chính sách mới chưa có thì nhiều doanh nghiệp cho rằng,cách tính thuế nhập khẩu linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay đang có nhiều lỗ hổng. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt trên xe lắp ráp trong nước là thuế với xe xuất xưởng, bao gồm cả lợi nhuận nhà sản xuất trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt của xe nguyên chiếc là tính trên giá CIF nhập về chưa có đầy đủ phí, thuế.
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam nêu quanđiểm,định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô đã khá rõ ràng, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính và các bộ ngành tổ chức tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển thị trường ô tô, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Cũng với mức thuế như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráptrong nước lo lắng khi nhiều doanh nghiệpcó ý định chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Ông Dương cho hay: "Đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống bằng 0%, nếu chính sách thuế không có gì thay đổi so với hiện nay thì giá ô tô chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp chuyển từ lắp ráp xe sang nhập khẩu xe sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện và chi phí lắp ráp".
Kiến nghị về thuế
Hiện tại, dung lượng thị trường ô tô Việt Nam còn rất nhỏ bé nhưng vẫn được kỳ vọng là điểm đến của các nhà đầu tư sản xuất ô tô chưa có cơ sở tại ASEAN.
"Tôi đã tiếp xúc và xúc tiến với các hãng xe. Họ vẫn đánh giá cao tiềm năng 90 triệu dân của Việt Nam nhưng họ chỉ e kinh tế Việt Nam còn bấp bênh, thị trường chưa đủ lớn. Do đó, muốn thu hút phải có chính sách ưu đãi", ông Dương nói.
Theo đó, muốn duy trì sản xuất ô tô tại Việt Nam cần có thuế suất CKD (nhập khẩu, lắp ráp các bộ linh kiện ô tô nguyên chiếc) phù hợp để doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời giảm thuế nhập khẩu linh kiện. Nếu không có các chiến lược nhất định để nuôi dưỡng và tạo điều kiện để có các dự án phát triển công nghiệp ô tô, Việt Nam chỉ là nơi mở rộng thị trường xe nhập khẩu và công nghiệp ô tô sẽ không còn.
Ông Dương đề xuất: "Đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể bằng nhau nhưng với những dự án lớn và mang hiệu quả kinh tế cho đất nước vẫn có thể có những ưu đãi".
Đặc biệt, ông Dương bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét đánh giá lại hiện trạng năng lực phát triển của doanh nghiệp trong nước một cách nghiêm túc thay vì chỉ nghe báo cáo.
Liên quan đến vấn đề thuế suất, ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính đã có đoàn khảo sát các doanh nghiệp, sắp tới Bộ sẽ ban hành dự thảo quy định mới phù hợp và khả thi, đảm bảo ổn định chính sách trong vòng 10 năm, theo đúng tinh thần của Chiến lược và Quy hoạch do Thủ tướng đã phê duyệt, sau đó Quốc hội sẽ ban hành chính sách thuế này.
Đối với thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp nên đề xuất chính sách thuế trong thời gian tới, bởi việc nhập khẩu linh kiện không chỉ từ ASEAN mà còn từ nhiều khu vực khác.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định: "Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi đúng hướng".