Báo cáo tại Hội thảo cho biết, tính đến ngày 31/8/2014, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là 11.651,7 tỷ đồng; trong đó nợ BHXH là 7.957,3 tỷ đồng, nợ BHTN là 608,4 tỷ đồng.
Còn theo số liệu của ban pháp chế BHXH Việt Nam thì từ năm 2010 – 2013 cơ quan BHXH đã khởi kiện 3.976 đơn vị, trong đó BHXH tỉnh khởi kiện 418 đơn vị; BHXH huyện khởi kiện 3.558 đơn vị.
Tổng số tiền nợ của các đơn vị bị kiện là 1.790 tỷ đồng. Phần lớn các đơn vị nợ BHXH bị khởi kiện là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và một số doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Đỗ Văn Sinh – Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: Mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.
Thêm vào đó, một số đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp ngành xây dựng, thủy lợi, giao thông vận tải và chủ đầu tư chậm thanh toán nên đơn vị không đủ kinh phí trả lương và đóng BHXH cho người lao động…
Do đó, nhiều chuyên gia tham dự tại Hội thảo đã đưa ra kiến nghị nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm đóng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm.
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT- BLĐTBHX-BTC-NHNN ngày 18/2/2008 của Liên bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và NHNNN hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh vào quỹ BHXH…
Ngô Lệ