Những khó khăn chồng nhất khiến số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước rút khỏi thị trường tăng cao. Bên cạnh áp lực cạnh tranh ngày càng lớn sau khi các Hiệp định thương mại được ký kết, sắp tới khối doanh nghiệp tư nhân còn phải đối mặt với nhiều thử thách đến từ các chính sách chuẩn bị đi vào thực tế.
Tiếp cận vốn vẫn khó, lãi suất vay sẽ tiếp tục tăng
Trước cán cân cung cầu tiền đang lệch mạnh và việc tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1 - 0,5% của một số ngân hàng thương mại gần đây, Thời báo kinh tế Sài Gòn đã có bài viết nhận định rằng trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục tăng, chất thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Lâu nay, lãi suất vay mà các doanh nghiệp Việt phải chịu luôn cao hơn nhiều so với hầu hết các nước trong ASEAN nhưng việc tiếp cận vốn vẫn chưa bao giờ dễ dàng.
Theo khảo sát mới công bố của Viện Khoa học Quản trị DNNVV, chỉ có khoảng hơn 30% số doanh nghiệp cho biết có khả năng vay vốn thường xuyên. Các kênh huy động vốn khác trên thị trường như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc tự huy động vốn thì phần lớn DNNVV thường không có đủ điều kiện và uy tín.
Những năm gần đây, tỷ lệ các DNNVV được bảo lãnh vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vẫn thấp cả về số lượng cũng như giá trị bảo lãnh. Ba năm qua không có trường hợp DNNVV được bảo lãnh vay qua VDB.
Trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại các DNNVV rất thấp nhưng phần lớn doanh nghiệp lại thiếu các điều kiện đảm bảo tín dụng cho mình. Nhiều doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng đất 70 năm nhưng lại không thể đem quyền sử dụng đất làm thế chấp vay…
Tại TP.HCM từ năm 2007 đến nay, Quỹ bão lãnh tín dụng DNNVV mới chỉ bảo lãnh tín dụng cho 24 doanh nghiệp, trong khi cả thành phố có khoảng 150 ngàn doanh nghiệp.
Sắp tới, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn khi tiếp cận vay mới vì phần lớn tài sản đảm bảo đã cạn kiệt, tổng tài sản có sinh lời và doanh thu sụt giảm, quy mô thu hẹp.
Bảo hiểm bắt buộc và thuế vẫn cao nhất Đông Nam Á
Tại hội thảo về tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp do Cục Xuất nhập khẩu và báo Công thương tổ chức ngày 5/11 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng mình sẽ phải đối mặt với "thời kỳ đen tối", bị đóng sập cánh cửa trước hội nhập vì chính sách bảo hiểm mới.
Trong 5 năm qua, chi phí bảo hiểm, công đoàn tăng năm lần nên nhiều doanh nghiệp không còn đủ lãi để có thể đầu tư, tái sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện chi phí Bảo hiểm bắt buộc và chi phí công đoàn của Việt Nam đang ở mức 30% giá trị sản xuất, cao hơn ít nhất 2 lần so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Các chi phí này còn sẽ cao hơn kể từ ngày 1/1/2016, khi mức tăng lương tối thiểu vùng tăng và mức đóng Bảo hiểm xã hội sẽ được tính trên cả lương cùng với phụ cấp lương. Đó là chưa kể đến đầu năm 2018, mức đóng Bảo hiểm xã hội sẽ được tính trên toàn bộ tổng thu nhập của người lao động.
Nhiều chủ doanh nghiệp than thở: "Tổng thu nhập của người lao động hằng tháng luôn thay đổi, không có tháng nào giống tháng nào. Bảo hiểm lại được tính nộp trên tổng thu nhập thì sắp tới đây chúng tôi lại càng mất thời gian kê khai nộp bảo hiểm hằng tháng".
Không chỉ thiệt thòi so với doanh nghiệp tại các nước ASEAN khác về gánh nặng bảo hiểm, DNNVV Việt Nam cũng đang phải đóng mức thuế trên lợi nhuận là 40%, cao nhất cả khu vực (trong khi Thái Lan và Lào - 2 nước có mức đóng thuế cao thứ nhì chỉ ở mức 26 - 27%).
Cùng theo Báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, tổng số giờ nộp thuế của một doanh nghiệp tại Việt Nam hiện vào khoảng 770 giờ mỗi năm, so với số giờ nộp thuế mỗi năm của doanh nghiệp Thái Lan là 264 giờ, Indonesia là 234 giờ, Philippines 193 giờ, Malaysia 118 giờ.
Thêm vào đó, tình trạng chậm hoàn thuế trong cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang đẩy nhiều doanh nghiệp đến nguy cơ đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp hiện đã kiệt quệ do bị nợ tiền hoàn thuế.
Bà Vũ Thị Hoài Sơn - GĐ Công ty TNHH Thương mại Tân Nhất Hương cho biết, doanh nghiệp này đang bị nợ tiền hoàn thuế hơn 20 tỷ đồng, dù đã được Chi cục Thuế Quận 3 TP.HCM ra quyết định hoàn thuế.
Theo bà Hoài Sơn, nhiều lần bà lên gặp lãnh đạo ngành thuế nhưng chỉ nhận được phản hồi là "ngân sách năm nay thiếu vì giá dầu giảm. Bộ Tài chính sắp rót cho TP.HCM 1.700 tỷ đồng để hoàn thuế nhưng những hồ sơ xin hoàn thuế đang treo đã là 1.800 tỷ đồng rồi". Chưa hết, ngành thuế "chỉ ưu tiên hoàn thuế cho những công trình trọng điểm quốc gia và những doanh nghiệp 100% sản xuất xuất khẩu. Còn vừa sản xuất xuất khẩu vừa làm thương mại thì không được ưu tiên".
Một chủ doanh nghiệp cho biết: "Cơ quan thuế luôn nhanh chóng phạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp chậm nộp thuế một ngày hay bị sai sót một điều gì đó, nhưng khi ngành thuế nợ doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng suốt từ năm này sang năm khác thì doanh nghiệp gặp được người có trách nhiệm để đòi lại vô cùng khó khăn".
Theo lời ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các khu công nghiệp TP.HCM, hệ thống thuế thời gian qua có cải cách nhưng chưa rõ ràng và nhất quán nên vẫn còn rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, cơ quan thuế tạo điều kiện kê khai qua mạng nhưng thuế phức tạp quá, khai thế nào cho đúng, cho đủ thì doanh nghiệp không biết hết được.
Ông phân tích: "Cơ quan thuế cũng bị doanh nghiệp kiện và thua kiện. Như vậy, ngay cả cơ quan thuế cũng chưa hiểu đúng chính sách. Vậy mà yêu cầu doanh nghiệp tự khai thì chúng tôi phải làm thế nào? Khai sai, chậm nộp chúng tôi bị phạt 0,05%/ngày, 10 năm sau thanh tra lại vẫn bị truy thu".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bé, một vướng mắc khác đó là chuyện liên thông, hiện đại hóa, áp dụng cơ chế một cửa nhưng lại phát sinh thêm rất nhiều giấy phép con, núp dưới danh nghĩa các giấy xác nhận, có thể nói là đã phá vỡ cơ chế một cửa.
Các biện pháp gỡ khó vẫn xa vời
Trước các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, nhiều hội thảo với nội dung làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của khối DNNVV đã được một số bộ, ban ngành tổ chức. Tuy nhiên các hội thảo tìm giải pháp cụ thể để gỡ khó cho từng vấn đề của doanh nghiệp thì khá hiếm hoi.
Có thể nói trong bối cảnh hiện nay, việc làm sao để tồn tại đã chiếm gần hết thời gian và sức lực của phần lớn doanh nghiệp tư nhân. Việc áp dụng công nghệ mới, cải tiến trong quản trị - sản xuất… dù muốn thì đa số DNNVV cũng không đủ sức tiến hành nhanh chóng, kịp thời trước tình hình cạnh tranh mới.
Trong báo cáo nghiên cứu Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đến nay đã là đối tượng của cả trăm vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài thì Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và một vụ kiện chống bán phá giá.
Theo báo cáo, khi được hỏi: "Nếu một thời điểm nào đó doanh nghiệp có ý định đi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, liệu nhân lực của doanh nghiệp có thể đảm nhiệm việc này chưa?", chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng các nhân viên của doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu, 48% cho rằng nhân viên của mình có thể thực hiện việc này nhưng khó khăn. Và có tới 41% doanh nghiệp trả lời hoàn toàn không thể.
Theo nhận xét chung của các quỹ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn tránh bị thâu tóm và theo kịp đà phát triển của khu vực thì phải nhanh chóng bước qua thời kỳ mô hình kinh doanh gia đình để vươn lên đến tiêu chuẩn công ty đa quốc gia. Trách nhiệm của Nhà nước trong chuyện này là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng.
Nếu những khó khăn hiện đang vây bủa DNNVV không sớm được tháo gỡ, mục tiêu tận dụng tối đa các nguồn lực kinh tế để phát triển đất nước sẽ ngày càng xa vời.