2 trong 5 đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực - TKV (VP) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là Công ty Nhiệt điện Sơn Động và Công ty Nhiệt điện Na Dương đang nỗ lực theo kịp bước chuyển chung của toàn Tổng công ty trước thềm tái cơ cấu theo phương án cổ phần hóa (CPH) và tái cơ cấu VP vào đầu năm 2015.
Theo phương án CPH đã được phê duyệt đối với VP, sau khi CPH Công ty mẹ, Nhiệt điện Sơn Động và Nhiệt điện Na Dương sẽ được sắp xếp chuyển đổi thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc Tập đoàn TKV.
Ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc Nhiệt điện Sơn Động cho biết, trong 5 đơn vị thành viên là nhà máy sản xuất điện của VP, Nhiệt điện Sơn Động là đơn vị gần như khó khăn nhất do điều kiện địa lý nằm tại thôn Đồng Rì, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Sơn Động là một trong những huyện miền núi nghèo nhất trên cả nước. Với điều kiện địa bàn hiểm trở, giao thông không thuận tiện, trong khi Công ty mới đi vào vận hành phát điện thương mại nên gặp nhiều khó khăn cả về vận hành kỹ thuật chưa ổn định lẫn "chảy máu" chất xám, sản xuất - kinh doanh chưa có lãi do chưa hết khấu hao giá trị đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, Công ty còn đối mặt với tình trạng giảm sản lượng mùa vụ do phụ thuộc sản lượng điện phân bổ và điều độ theo mùa vụ từ Cục Điều tiết Điện lực trong quá trình điều tiết sản xuất điện phù hợp giữa nhà máy nhiệt điện và thủy điện. Do đó, nhà máy có không ít thời gian trong năm vận hành dưới công suất, nên hiệu quả không cao.
Để khắc phục và bù đắp những khó khăn này, Nhiệt điện Sơn Động đã tìm kiếm và áp dụng các biện pháp nhằm tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, như đẩy mạnh tiết giảm chi phí, tinh giản bộ máy quản lý, đẩy mạnh phong trào cải tiến và tìm tòi sáng kiến để nâng cao hiệu suất. Đặc biệt, ý tưởng sử dụng than Na Dương trong quá trình đốt khởi động lò hơi của nhà máy đã góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí nhờ tiết kiệm được than, dầu FO và hóa chất. 8 tháng đầu năm 2014, Công ty đã tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng từ sáng kiến này.
Nhờ đó, kết quả sản xuất - kinh doanh 3 quý đầu năm không lỗ nhiều như kế hoạch. Cụ thể, 8 tháng đầu năm, Công ty đạt tổng doanh thu hơn 1.105 tỷ đồng, bằng 71,9% kế hoạch năm; chi phí gần 1.128 tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm; lợi nhuận âm 30,791 tỷ đồng, bằng 33,7% kế hoạch năm (âm 91,412 tỷ đồng).
Đối với Nhiệt điện Na Dương, lộ trình đổi mới sắp xếp lại DN thuận lợi hơn do nhà máy đã đi vào vận hành ổn định, đạt hiệu suất cao từ 10 năm nay, với công nghệ vượt trội từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Xuân, Phó giám đốc Nhiệt điện Na Dương, các hoạt động của Công ty đi vào nề nếp từ nhiều năm trước, nên khi chính thức triển khai công tác sắp xếp lại DN và các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm 2014, tập thể người lao động và Ban lãnh đạo Công ty đều có sự chuẩn bị khá vững chắc. Tuy vậy, có không ít khó khăn đòi hỏi tập thể hơn 350 cán bộ, công nhân viên phải nỗ lực để khắc phục. Đó là làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh trong điều kiện tham gia thị trường điện cạnh tranh theo cơ chế giao sản lượng theo hợp đồng; nhà máy vẫn có những thời điểm chạy dưới mức công suất khiến hiệu suất giảm, chi phí tăng; nhiên liệu sử dụng là than có chất lượng không cao, làm tăng giá thành sản xuất…
Trong điều kiện như vậy, mức lợi nhuận hơn 56 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng đầu năm 2014, bằng 156,7% kế hoạch năm, mức lương bình quân 6,7 triệu đồng/người/tháng, là kết quả của sự nỗ lực lớn trong toàn Công ty.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo Nhiệt điện Sơn Động và Nhiệt điện Na Dương đều khẳng định, trước thời điểm tái cơ cấu, hơn 700 cán bộ, công nhân viên của hai đơn vị tin tưởng vào hiệu quả và tương lai của DN sau khi sắp xếp lại thành chi nhánh của Công ty mẹ trong đầu năm tới.
"Hiện đã hoàn thành xong việc định giá Tổng công ty VP, trong đó có Nhiệt điện Sơn Động. Bản thân cán bộ, công nhân viên trong Công ty đã tin tưởng đăng ký mua hết số cổ phần được mua ưu đãi", ông Chiến nói, đồng thời kiến nghị, Tổng công ty nên xem xét điều chỉnh đơn giá tiền lương để giữ nguyên mức tiền lương bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người/tháng như kế hoạch nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động, giúp họ yên tâm công tác trước thời điểm Công ty sắp xếp lại.