Doanh nghiệp nhà nước vẫn đang gây lãng phí

Doanh nghiệp nhà nước vẫn đang gây lãng phí

Tình trạng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quản lý công nợ, hàng tồn kho và vốn nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn vẫn đang tiếp diễn.

Đây là khẳng định của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trong báo cáo về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm theo Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội.

Báo cáo gửi tới kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, tuy không chỉ đích danh các DNNN nào nhưng cho biết, KTNN đã chuyển 01 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán (từ kết quả kiểm toán năm 2014) sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng tại Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận kết quả điều tra 01 vụ việc do KTNN chuyển năm 2012 từ Cơ quan Cảnh sát điều tra. Đó là vụ án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty lương thực Thanh Nghệ Tĩnh và 3 công ty khác; khởi tố 4 bị can và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để tiến hành khởi tố điều tra theo thẩm quyền.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến ngày 30-9-2014 của 65 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.388,3 tỉ đồng, trong đó tăng thu 1.328,6 tỉ đồng; giảm chi 888,5 tỉ đồng; xử lý khác 3.171,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán từ khâu lập, phân giao, sử dụng và quyết toán NSNN.

Bên cạnh đó là các tồn tại trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; sai phạm trong lựa chọn nhà thầu, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình, quản lý hồ sơ dự án còn diễn ra tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương; việc thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia thiếu đồng bộ, phân bổ vốn thiếu tập trung, dàn trải, không đúng nội dung, mục tiêu.

Báo cáo này cho biết thêm, KTNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để huỷ bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung và đề xuất bổ sung 72 văn bản (sửa đổi, bổ sung 48 văn bản, huỷ bỏ 24 văn bản) không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, gồm: 03 Nghị định; 14 Thông tư; 21 Quyết định; 01 Chỉ thị; 33 văn bản khác; kiến nghị xử lý trách nhiệm 31 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán.