Doanh nghiệp nhà nước để làm gì?

Doanh nghiệp nhà nước để làm gì?

Để nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có bước tiến đột phá, thiết nghĩ cần phải xác định được vai trò của DNNN trong nền kinh tế của nước nhà, bởi một khi vẫn còn chưa rõ cái vai trò này, chúng ta dễ sa vào những tranh luận không đúng thực chất.

Với nhiều người, DNNN tồn tại như một công cụ hữu hiệu để Nhà nước sử dụng làm phương tiện ổn định nền kinh tế vĩ mô. Lập luận thường thấy là chỉ có DNNN, dưới các mệnh lệnh hành chính từ Chính phủ, sẽ sẵn sàng có nguồn lực để mua gạo cho nông dân với giá cao, giảm giá xăng dầu để hỗ trợ nền kinh tế chung, phát triển mạng lưới viễn thông ở nông thôn khi các doanh nghiệp tư nhân vì không thấy lợi nhuận nên không làm...

Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải được cạnh tranh bình đẳng với nhau - đó là nguyên tắc sống còn đầu tiên để nền kinh tế phát triển bình thường, không bị méo mó. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính để bắt DNNN thực hiện một số chính sách, dù có thể có lợi cho xã hội nhưng bất lợi cho bản thân doanh nghiệp vì lúc đó chi phí để bù đắp sự bất lợi này sẽ lớn hơn cả lợi ích nó đem lại.

Cách hành xử đúng đắn nhất vẫn là khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần có những hoạt động như Nhà nước mong muốn (mua gạo cho nông dân, giảm giá xăng dầu, phát triển dự án ở nông thôn) bằng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng nhà nước, tiếp cận đất đai hay nguồn lực công khác. Có như vậy, DNNN mới thật sự mạnh lên được để sánh vai với doanh nghiệp lớn của khu vực hay quốc tế.

Trên thực tế, DNNN được giao những nhiệm vụ cụ thể như nói ở trên là ít khi xảy ra; có chăng là sự ưu đãi quá nhiều từ nguồn lực quốc gia dẫn tới thất thoát hay kém hiệu quả.

Kinh tế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết thường được các nghiên cứu chỉ ra. Đó là sự bất đối xứng về thông tin, độc quyền nhóm, độc quyền tự nhiên...

Vai trò của DNNN đúng ra phải nằm ở chỗ góp phần giảm bớt các khiếm khuyết này. Lấy ví dụ, công trình nghiên cứu của nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay, GS. Jean Tirole, là về cách điều tiết các doanh nghiệp độc quyền nhóm trong các lĩnh vực như viễn thông, điện nước, xăng dầu. Những cái khó trong quản lý loại hình doanh nghiệp này được Tirole nêu ra như thiếu thông tin dẫn tới bất đối xứng thông tin giữa bên làm chính sách và bên doanh nghiệp đều có thể dễ dàng hóa giải đối với Việt Nam. Đó là bởi các doanh nghiệp độc quyền nhóm, độc quyền ngành này đều đa phần là DNNN, ở đó chủ sở hữu đồng thời là nơi lập chính sách để điều tiết chúng.

Lẽ ra trong vai trò là chủ sở hữu, các bộ ngành quản lý có thể bắt DNNN thuộc quyền quản lý công khai thông tin, làm rõ mọi ngóc ngách trong hoạt động. Như thế có lẽ chưa cần sử dụng đến lý thuyết trò chơi như Tirole đề nghị, Nhà nước vẫn có thể dễ dàng định ra hành lang hoạt động cho DNNN nếu muốn.

Như vậy, con đường cải cách DNNN chính là con đường dùng lợi thế chủ sở hữu nói trên để nhanh chóng cải cách DNNN làm sao để họ phải tự lực cánh sinh, cạnh tranh bình đẳng trên thương trường. Lúc đó vai trò của DNNN là vũ khí hữu hiệu để giảm trừ khiếm khuyết của kinh tế thị trường, chứ không phải để điều tiết vĩ mô như một số người vẫn lầm tưởng.