Doanh nghiệp mong tỷ giá ổn định lâu dài

Động thái điều chỉnh tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam thêm 1% mới đây của NHNN được đa phần DN đánh giá có tác động tích cực trong việc hỗ trợ DN XK, tuy nhiên mức độ tác động không lớn và đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ khiến DN yên tâm.

Chỉ xuất khẩu được lợi

Là DN XK 100% sản phẩm trái cây, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc XK của Công ty TNHH Rồng Đỏ cho biết: Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1% đem lại lợi ích thiết thực cho DN, tạo thêm động lực để XK hàng hóa. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), phần lớn DN XK thủy sản cũng sẽ được hưởng lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn trong XK từ đầu năm đến nay.

Cũng ghi nhận tác động tích cực của lần điều chỉnh tỷ giá này đối với hoạt động sản xuất, XK nhưng ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Thúy Đạt (DN chuyên XK hàng dệt may) lại cho rằng chỉ DN chủ yếu sử dụng nguyên liệu trong nước và tập trung XK mới nhận được nhiều lợi ích, còn các DN XK sản phẩm, song lại phải NK nguyên liệu từ nước ngoài thì mức độ tác động chưa rõ ràng.

"Đối với Công ty CP Thúy Đạt, tỷ lệ NK nguyên liệu lên tới 70%. Mỗi tháng, DN NK khoảng 500.000 USD tiền bông và giá trị XK sản phẩm được khoảng 800.000 USD. Như vậy, chênh lệch giữa tổng số tiền thu về bằng USD và chi ra để mua nguyên liệu là khoảng 300.000 USD. Điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng 1% vừa rồi, DN chỉ được lợi tính trên 300.000 USD nên cũng không đáng kể. Đối với các DN phải vay ngân hàng tính bằng USD để quay vòng vốn, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thì mức độ tác động của đợt điều chỉnh vừa rồi càng nhỏ", ông Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam còn nhấn mạnh, các DN trong ngành gỗ gần như không được hưởng lợi ích gì từ đợt điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, thậm chí còn phải đối mặt thêm nhiều khó khăn, thách thức. Ông Quyền tính toán, mỗi năm Việt Nam NK khoảng 2 tỷ USD tiền nguyên liệu gỗ, tỷ giá điều chỉnh 1% nghĩa là đã thiệt hại thêm 20 triệu USD/năm. Hiện nay, chi phí cho nguyên liệu chiếm tới 40% chi phí sản xuất. Trong khi đó, lãi ròng của ngành chế biến gỗ hiện tương đối thấp, chỉ khoảng 5%. Cân đối bài toán thì rõ ràng đối với các DN ngành gỗ, thiệt hại có phần lớn hơn lợi ích.

Gia tăng nỗi lo

Xung quanh câu chuyện điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lần này của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Dũng đánh giá, dù có tác dụng hỗ trợ XK nhưng đây chỉ là giải pháp gỡ khó tình thế, thiếu bền vững. Chỉ chưa đến nửa năm, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh tỷ giá hết giới hạn đặt ra trong cả năm là 2%. Tuy nhiên, lần đầu tỷ giá được điều chỉnh do sự tính toán chủ động còn lần này là bị động, cứng nhắc. "Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ giá là do thị trường quyết định. Ngân hàng Nhà nước muốn can thiệp để điều tiết phải sử dụng các biện pháp khác bằng các chính sách liên quan chứ không đột ngột thay đổi tỷ giá theo mệnh lệnh hành chính. Đối với Việt Nam, đó có thể là chính sách để điều chỉnh lãi suất ngân hàng hay sử dụng thêm nhiều đồng tiền tại các thị trường DN Việt Nam thường xuyên giao dịch hợp tác khác như đồng Eur, Yên, Rúp… thay vì chỉ căn cứ vào đồng USD", ông Dũng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện một số DN đều bày tỏ lo lắng chung, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá hết biên độ đặt ra là 2%, trong khi từ nay tới cuối năm tình hình thị trường còn nhiều biến động, đặc biệt thời điểm căng thẳng về tỷ giá dịp cuối năm, nếu ngân hàng không điều chỉnh gì thêm nữa, DN sẽ là đối tượng "chịu trận". Tâm lý phập phồng này khiến DN không thực sự yên tâm sản xuất, kinh doanh. Điều kiện lý tưởng mà hầu hết DN mong muốn là tỷ giá có thể ổn định dài hạn trong vài năm trở lên.

Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, DN ngành gỗ rất mong tỷ giá ổn định khoảng 5-7 năm để DN chủ động hơn trong các tính toán làm ăn. Còn trong bối cảnh tỷ giá biến động như hiện nay, nhiều DN đã lựa chọn phương án thay đổi thời điểm ký hợp đồng để đối phó với sự "bấp bênh". "Trước đây, DN thường ký hợp đồng XK vào quý IV năm trước và ổn định sản xuất trong cả năm sau với mức giá bán đã "chốt". Tuy nhiên hiện nay, DN lựa chọn ký hợp đồng làm 3 đợt chủ yếu vào quý IV năm trước, quý I và quý II trong năm sau. Nhược điểm của sự đổi thay này là đơn hàng thiếu ổn định nhưng bù lại DN XK có thể chủ động điều tiết về mặt giá cả, tránh thiệt thòi khi tỷ giá biến động", ông Quyền nói.

Cũng mong muốn tỷ giá ổn định lâu dài nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng lại cho rằng, đó là điều rất khó khăn bởi tỷ giá không thể điều chỉnh theo mong muốn của bản thân DN hay Ngân hàng Nhà nước mà phải phụ thuộc vào biến động trên thị trường. Điều cần thiết đối với các DN phải là tùy tình hình, điều kiện cụ thể của mình để có phương án ứng phó phù hợp, luôn trong tư thế sẵn sàng khi tỷ giá biến động.