Mặc dù, nếu nhìn vào kim ngạch XNK của ngành dệt may, các con số vẫn có chiều hướng gia tăng nhưng các DN dệt may, đặc biệt là DN nhỏ và vừa lại đang gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phí Ngọc Trịnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần may Hồ Gươm, trong 15 năm trở lại đây, năm nay là năm đầu tiên quý I khanđơn hàngnhư thế, nhiều DN phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ ngơi, đi lễ hội dài hơn. Ông Trịnh còn cho hay, đơn hàng của một số công ty đang giảm khoảng 15-20% nhưng không đến mức DN phải ngừng sản xuất mà các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, chỉ không trong tình trạng căng thẳng, ép tiến độ như trước.
Cũng nói về tình trạng này, ông Bùi Trọng Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, các DN dệt may trong nước đang gặp khó khăn vì nhiều đơn hàng bị dịch chuyển sang các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong quý I có nhiều nguyên nhân phát sinh nên có thể tình trạng này sẽ cải thiện trong quý II.
Đứng trên góc độ của DN bị ảnh hưởng, ông Phí Ngọc Trịnh nêu ra 4 nguyên nhâncủa tình trạng giảm đơn hàng. Thứ nhất, do nguồn nguyên phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi Tết năm nay nghỉ dài ở cả Việt Nam và Trung Quốc nên đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 công nhân phía Trung Quốc mới đi làm.
Do đó, hàng về đến Việt Nam phải đợi đến cuối tháng 3, thậm chí giữa tháng 4. Nguyên nhân thứ hai là do tỷ giá Euro và USD có nhiều biến động khiến khách hàng nước ngoài e ngại, chưa dám ký thêm nhiều hợp đồng. Nguyên nhân thứ ba là mùa đông năm nay tại châu Âu không dài, hàng may mặc XK lại chủ yếu là hàng mùa đông nên lượng tồn kho còn nhiều, nhu cầu của khách hàng cũng vì thế mà chững lại.
Ba nguyên nhân trên, theo ông Trịnh, sang tháng 4 và tháng 5, tình hình có thể sẽ thay đổi, đơn hàng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, nguyên nhân cuối cùng mới đáng lo ngại, "do Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên DN nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam mở nhà máy, vì thế, khách hàng chuyển sang sử dụng trực tiếp nhà máy của mình chứ không thuê lại các DN trong nước nữa, chưa kể đến, tiềm lực của DN FDI rất lớn, quy mô nhà máy rộng, đông đảo công nhân nên hút mất một lượng lớn đơn hàng của DN Việt Nam", ông Trịnh nói.
Có thể thấy, nhiều khó khăn đang "bủa vây" lấy các DN dệt may trong nước không chỉ trong năm 2015 mà cả những năm tiếp theo, đặt ra yêu cầu bức thiết để các DN phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng XNK, Công ty Cổ phần may Sông Hồng, để thoát khó, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực với tay nghề cao, cải tiến thiết bị, đầu tư về công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, Sông Hồng tập trung vào mảng thị trường nội địa để làm bước đệm giúp sản phẩm XK được tốt hơn. Các DN nội địa, đặc biệt những DN sản xuất nguyên phụ liệu và dệt may phải liên kết tạo thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cạnh tranh với các DN FDI.