DNNN thoái vốn ngoài ngành: SCIC không mua lại bằng mọi giá

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chuẩn bị gì và sẽ thực hiện thế nào trước chỉ đạo xem xét, mua lại cổ phần của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nếu các doanh nghiệp này thoái vốn khỏi ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm không thành công?

Ông Lê Song Lai.

Phó tổng giám đốc SCIC, ông Lê Song Lai, nói thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào SCIC nhưng trên thực tế, SCIC chỉ đóng vai trò là điểm tựa, chốt chặn cuối cùng trong hoạt động này.

Theo ông Lai, chỉ sau khi các DNNN không thành công trong việc thoái phần vốn nắm giữ tại các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty tài chính cho các nhà đầu tư khác, hoặc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hoặc chào bán cho một hay một số NHTM nhà nước do NHNN chỉ định, thì mới có thể đề nghị SCIC xem xét mua lại.

Nói cách khác, DNNN phải là người chủ động và chịu trách nhiệm chính trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà họ nắm giữ. SCIC không có nghĩa vụ mua lại số cổ phần được chào bán bằng mọi giá mà sẽ xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể và trên cơ sở “thuận mua, vừa bán” theo các nguyên tắc về mức giá mua đã được quy định tại Quyết định 51 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-11-2014.

Với một quy trình như vậy, dưới góc độ là người thực hiện... cuối cùng, ông Lai dự đoán đơn vị mình sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có thể hình dung các phần vốn khi đến được với SCIC đa số là những khoản đầu tư có hiệu quả kinh doanh thấp và không thực sự hấp dẫn đối với thị trường.

TBKTSG: SCIC đã có hành động cụ thể nào để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, thưa ông?

- Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã chủ động liên hệ và đến nay đã có 12 tập đoàn, tổng công ty cung cấp thông tin và đề nghị SCIC phối hợp trong việc mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm. SCIC đang khẩn trương xây dựng quy chế trình hội đồng thành viên phê duyệt về việc mua cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp cổ phần hóa và mua lại vốn đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm theo Quyết định 51. Hy vọng rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ vượt qua được những cân nhắc, suy tính ngắn hạn về trách nhiệm bảo toàn vốn và không chờ đến thời hạn chót để chủ động phối hợp với SCIC thực hiện.

TBKTSG: Công ty Đầu tư SIC- công ty con 100% vốn của SCIC hiện đã tham gia đầu tư trên thị trường, ông nghĩ thế nào khi có ý kiến lo ngại rằng với ưu thế của một DNNN, SIC sẽ chèn ép các doanh nghiệp khác trong hoạt động đầu tư?

- Tôi cho rằng mối lo ngại này là không có cơ sở bởi lẽ tuy SIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng cũng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và phải tuân thủ luật chơi chung của thị trường. Hơn thế nữa, do là một DNNN, SIC còn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ áp dụng đối với các DNNN liên quan đến quản lý tài chính, đầu tư vốn, tiền lương, chế độ báo cáo... Trong điều kiện thị trường có nhiều biến động như hiện nay, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cách thức lựa chọn các dự án đầu tư và việc ra quyết định đầu tư của SIC.

Theo Quyết định 51 của Chính phủ, sau khi các DNNN thoái vốn bằng nhiều cách mà vẫn không thành công thì SCIC mới mua lại cổ phần này với mức giá không cao hơn giá khởi điềm khi bán thỏa thuận không thành công hoặc không cao hơn giá bán thỏa thuận thành công (trong trường hợp không bán hết số cổ phần, phần vốn nhà nước). Mức giá cuối cùng để SCIC mua lại số cổ phần, phần vốn nhà nước nói trên phải đảm bảo không cao hơn giá trị sổ sách kế toán trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập đầy đủ theo quy định. Trường hợp không thỏa thuận được với SCIC về việc chuyển nhượng số cổ phần thì chủ sở hữu vốn nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.