DNNN phải công bố thông tin

Bộ KH-ĐT đang dự thảo về việc công bố thông tin DNNN, và Bộ Tài chính với dự thảo giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN

Giám sát hiệu quả sử dụng vốn

Các dự thảo này được xây dựng nhằm chi tiết hóa 2 luật vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 là Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc minh bạch hóa và công bố công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực...

Theo dự thảo của Bộ KH-ĐT, các doanh nghiệp nhà nước phải công bố những thông tin như chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm/hàng năm; báo cáo thực hiện kết quả sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ công ích (nếu có) hàng năm; kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và kết quả thực hiện; thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, báo cáo tài chính, chế độ lương, thưởng của doanh nghiệp. Hình thức công bố thông tin gồm văn bản và dữ liệu điện tử. Việc công bố thông tin được thực hiện trên cổng/trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu nhà nước và cổng thông tin doanh nghiệp Việt Nam (http://www.business.gov.vn).

Trong khi đó, theo dự thảo của Bộ Tài chính, việc giám sát sẽ được các bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính tập trung vào việc bảo toàn và phát triển vốn; quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (hoạt động đầu tư vốn, tài sản tại doanh nghiệp; hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động phát hành trái phiếu, cổ phiếu...); hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện các chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp...

Mù mờ, thiếu minh bạch

Sự thay đổi mạnh mẽ trong việc đưa ra các quy định về công khai, giám sát vào các luật thể hiện một thực tế, là lâu nay thông tin về nhiều doanh nghiệp nhà nước kín như bưng. Chẳng hạn với ngành điện. Theo Chỉ thị 11 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành đầu năm 2014 về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm công bố công khai các chi phí, kế hoạch, kết quả sản xuất, kinh doanh. Cụ thể các yếu tố cấu thành giá bán điện (biến động đầu vào, tỷ lệ tổn thất điện năng...); báo cáo tài chính có kiểm toán, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thế nhưng, rất nhiều thông tin theo yêu cầu của bộ này đã không được thể hiện trên website của tập đoàn này lẫn trang http://minhbach.moit.gov.vn/ do Bộ Công Thương lập ra sau khi có Chỉ thị 11. Thậm chí trên trang evn.com.vn của EVN, báo cáo thường niên gần nhất là giai đoạn 2010-2011. Một báo cáo quan trọng với hầu hết những người quan tâm là báo cáo có kiểm toán lại không thấy xuất hiện trên bất cứ website của bộ này hay EVN. Như vậy, đồng nghĩa gần như người dân chỉ được biết các thông tin mà bộ chủ quản lẫn EVN... muốn công bố và thiếu một sự kiểm chứng tin cậy.

Hết thời nuông chiều?

Một thống kê của Bộ Tài chính vào thời điểm 15-10-2014 cho thấy có 3/8 tập đoàn kinh tế chưa lập chuyên mục riêng để công khai thông tin tài chính theo quy định; chỉ có 2 tập đoàn đã đăng tải báo cáo tài chính năm 2013; chỉ 1 tập đoàn công khai báo cáo giám sát tài chính năm 2013...

Các chủ sở hữu doanh nghiệp cũng chưa xây dựng được kế hoạch giám sát hàng năm và chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Thực tế này đã lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp nhà nước khi công bố thông tin ra công chúng được đánh giá cao, nhưng sau đó lại xảy ra không ít bê bối như trường hợp của Vinashin (giai đoạn 2006-2008 đều được xếp loại A).

Việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước cung cấp và công bố công khai thông tin một cách đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp tốt hơn và Nhà nước, người dân có thể tham gia giám sát doanh nghiệp, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, tham ô.

Vì thế, để nghĩa vụ minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, không chỉ là quy định trên giấy, cần có các chế tài đủ mạnh, để tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp nhà nước cố tình không chấp hành.

Nếu tư tưởng nuông chiều doanh nghiệp nhà nước không được dứt khoát đoạn tuyệt, vừa không tạo ra được sự lành mạnh trong nền kinh tế, vừa khó tạo ra được sự đột phá trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.