DN Việt phải làm gì để gia nhập "luật chơi" mới

Với một loạt hiệp định thương mại được ký kết, năm 2015 - 2016 được xem là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt phá. Thế nhưng, song song với những cơ hội này là những thách thức không nhỏ mà doanh nghiệp (DN) cần phải thay đổi.

Phòng thủ hay tấn công?

Những mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam nhiều năm nay là dệt may, da giày đang phải đối diện với nhiều thử thách. Chia sẻ tại hội thảo "Cơ hội 2015 - 2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi", ông Đỗ Long - Tổng giám đốc Công ty Bitas cho biết, hai năm nay, đón đầu TPP, nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội này khi khả năng của DN Việt Nam còn yếu và thiếu.

Đã có nhiều DN lớn của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đầu tư sản xuất sợi, dệt, nhuộm tại Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực giày dép, trước đây, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc (đến 80%), nhưng sau sự kiện Trung Quốc gây hấn trên biển Đông, DN trong nước đã chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Đến nay, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu từ nước này đã giảm xuống còn 60%.

Ngành thép càng tệ hơn. Nhiều năm nay, các DN thép đang phải vật lộn với thép Trung Quốc bởi giá rẻ. Theo ông Chu Đức Khải - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cả năm 2013, phần lớn DN thép chỉ sản xuất hết 40 - 60% công suất thiết kế. Trong đó, chỉ các DN sản xuất phôi thép đạt 60% công suất, các sản phẩm khác đạt tỷ lệ 40%, còn luyện gang thì chỉ đạt 30% công suất thiết kế.

Sắp tới đây, khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với VCUFTA (Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan) thì ngành thép trong nước lại càng khó khăn hơn. Bởi, khi hiệp định này có hiệu lực thì thuế suất hạ xuống 0% và thép Nga sẽ tràn ngập thị trường.

Cũng theo ông Khải, Nga là nước có sản lượng thép đứng thứ 5 toàn cầu và thị trường trong nước của Nga đang đối diện với tình trạng thừa nguồn cung. Vì vậy, Chính phủ Nga và các DN nước này đang tìm mọi biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu.

Một trong những điều đáng lo là công nghệ sản xuất thép của Nga rất cao, quy trình sản xuất đã đến mức "phôi đi từ quặng sắt ra gang lỏng, thổi oxy..." trong khi nước ta mới phát triển "lò điện nấu chảy thép phế và phun thêm oxy...".

Chính vì vậy, chi phí sản xuất 1 tấn phôi thép của Việt Nam cao gấp 3 lần so với Nga. Thép Nga vào thị trường còn đáng lo hơn nhiều so với thép Trung Quốc.

"Thép Trung Quốc vào Việt Nam bằng giá rẻ nhưng thép Nga vào Việt Nam bằng chất lượng và uy tín", ông Chu Đức Khải cảnh báo. Vì vậy, nếu 40 mặt hàng thép trong nước không được bảo hộ thì DN sẽ khó có năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Cần tham gia chuỗi

Theo ông Trần Việt - Trưởng Ban thị trường Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Việt Nam đang bước vào giai đoạn "hậu chung cuộc" - một làn sóng cuối cùng để ngành dệt may Việt Nam bứt phá.

Những năm 2001 - 2002 là quá trình khai cuộc và nhờ hiệp định song phương với Mỹ mà cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vào nước này tăng mạnh.

Giai đoạn chung cuộc diễn ra những năm 2008 - 2009. Cụ thể, năm 2007, khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, các nhà nhập khẩu bán lẻ thu hẹp và chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn và Việt Nam đã nổi lên trong thời gian đó nhờ chi phí sản xuất thấp dựa vào nhân công giá rẻ.

Và hiện nay, 6 -7 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán sắp có kết quả sẽ tạo cho ngành dệt may Việt Nam bứt phá ở nhiều mặt. Và đây cũng sẽ là làn sóng cuối cùng cho Việt Nam phát triển.

Khi gia nhập TPP, thị trường Mỹ và Nhật sẽ mang lại nhiều lợi thế cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là thách thức rất lớn, khi nguyên tắc xuất xứ - phải đi từ sợi trở đi được áp dụng.

Doanh nghiệp cần phải xây dựng chuỗi cung ứng, nếu không sẽ mất thị trường vào tay các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc... "Những DN lớn phải tận dụng cơ hội để phát triển chuỗi, các DN nhỏ chưa đủ tiềm lực phát triển chuỗi thì phải đưa mình vào chuỗi lớn hơn, hợp tác với đối tác nước ngoài dựa trên lợi thế so sánh...", ông Việt tư vấn.

Ở góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viên Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang ở thời khắc quan trọng của cách làm ăn mới, cách sống mới. Nổi bật nhất là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin.

"Đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ. DN cần chọn thị trường ngách nhưng quan trọng là phải "chơi với ai" và chơi như thể nào. Có thể chọn thị trường ngách nhưng giá trị mặc cả phải cao", ông Thành nói.

TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, luật chơi đã và sẽ thay đổi, vì thế, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, phải tự xem xét lại mình, so sánh với những chuẩn mực quốc tế...

"Đây là thời điểm sáng tạo để làm điều gì đó khác với Trung Quốc, phải biết đứng trên vai của người khổng lồ. Chúng ta dựa quá lâu vào lao động giá rẻ và đã đến lúc nên dựa vào trình độ lao động cao và sáng tạo. DN cần có quyết tâm, chiến lược đúng đắn và niềm tin sắt đá để vươn lên", TS. Doanh nói.