Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay, đa số các hoạt động M&A ở Việt Nam được xúc tiến từ ba nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, góp vốn để cùng khai thác lợi thế thương hiệu, lợi thế thị trường khi thấy một DN làm ăn thành công. Thứ hai, DN mạnh hơn mua lại DN yếu kém nhằm sử dụng cơ sở hạ tầng và các quan hệ khách hàng sẵn có. Thứ ba, mua lại DN có thương hiệu tốt nhưng làm ăn không hiệu quả để khai thác lại thương hiệu.
Như vậy, có thể thấy, thương hiệu là tài sản "vô hình" vô cùng quan trọng, thậm chí trong một số trường hợp còn được coi là mục đích chính của giao dịch M&A và việc định giá giá trị thương hiệu quyết định phần lớn sự thành công của các thương vụ này. "Trên thực tế, có đến 50-80% DN thất bại sau M&A do chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu", ông Richard Moore, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates cho biết.
Chưa có một tổ chức quốc tế nào chuyên về định giá thương hiệu hiện diện tại Việt Nam Ảnh: ST |
Tuy nhiên, theo TS Phan Tất Thứ, Sáng lập viên, Chủ tịch KNV Group, việc xác định giá trị thương hiệu của các DN Việt hiện nay còn đang trong một vòng luẩn quẩn và "vướng" rất nhiều. Chính vì yếu ở khâu này nên DN Việt phải chịu thiệt thòi trong các hoạt động M&A. Hiện ở nước ta, các tổ chức làm dịch vụ thẩm định giá có đủ uy tín và năng lực thực hiện định giá thương hiệu trên thị trường rất hiếm hoi. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho việc xác định giá trị thương hiệu cũng thiếu.
"Ở Việt Nam, chưa có công ty nào chuyên định giá thương hiệu bằng USD cũng như chưa có một tổ chức quốc tế nào chuyên về định giá thương hiệu hiện diện tại Việt Nam", ông Richard Moore cho biết thêm.
Ngoài ra, theo bà Vũ Thu Hằng, Phó giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP.Hồ Chí Minh, vấn đề xác định và ghi nhận giá trị thương hiệu ở Việt Nam hiện nay còn bị "vướng" ở chỗ các chuẩn mực kế toán hiện được thiết kế theo nguyên tắc ghi nhận giá trị tài sản từ chi phí phát sinh tạo ra nó. Trong khi đó, việc ghi nhận giá trị thương hiệu chỉ có thể thực hiện nếu các chuẩn mực kế toán cho phép ghi nhận giá trị tài sản từ lợi ích sẽ thu được của tài sản đó trong tương lai.
Đừng để "nước đến chân mới nhảy"
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để có thể vượt qua được chướng ngại vật trong việc xác định giá trị thương hiệu khi thực hiện "hợp đồng hôn nhân" M&A thì DN Việt cần nắm được điểm mạnh cũng như điểm yếu của thương hiệu được sáp nhập để từ đó có thể đánh giá được mức độ tương thích của thương hiệu này với chiến lược thương hiệu của mình.
"Hiện nay, các DN Việt vẫn rơi vào tình trạng "nước đến chân mới nhảy", chỉ khi có "vấn đề" đe dọa về thương hiệu hoặc khi dàn xếp lại nhãn hiệu sau thương vụ M&A thì mới nghĩ đến việc mời chuyên gia thương hiệu. Theo tôi, DN nên tìm đến chuyên gia tư vấn thương hiệu ngay trong giai đoạn đàm phán giao dịch M&A", ông Thứ khuyến cáo DN.
Bên cạnh đó, khi DN Việt ở vị trí là bên bán thì cần nắm được chiến lược thương hiệu bên mua trước khi bắt tay vào ký kết hợp đồng M&A để có thể đàm phán được một mức giá không thiệt thòi cho thương hiệu của mình.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự phát triển của các hoạt động M&A, hoạt động nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh cũng như cho yêu cầu cổ phần hóa khiến cho nhu cầu về định giá nhượng quyền thương hiệu ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nước ta chỉ có một quy định pháp lý duy nhất liên quan đến việc xác định giá trị thương hiệu của DN tại Thông tư số 146/2007/TT - BTC năm 2007.
"Mặt khác, các quy định tại Thông tư chỉ áp dụng đối với việc cổ phần hóa các DNNN. Điều đó có nghĩa là việc xác định giá trị thương hiệu đối với các DN tư nhân vẫn đang còn bị bỏ ngỏ. Vì vậy, đã đến lúc cần hoàn thiện hơn các quy định cũng như có những hành lang pháp lý phù hợp và quy định cho khu vực DN tư nhân về vấn đề này", các chuyên gia khuyến cáo./.