Quy định được đưa ra tại Khoản 3, Điều 11, Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thay thế Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 6/12/2012 do Bộ Tài chính vừa ban hành.
Chi tiết hóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài
Thông tư 123 quy định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng; doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP.
|
Đồng thời, công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty. Danh mục về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh (nếu có) thực hiện theo Điều ước quốc tế, quy định pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đối với công ty đại chúng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định pháp luật, nhưng nếu muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì phải lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông để quy định rõ hạn chế này tại Điều lệ công ty. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là, đối với các công ty không bị hanh chế sở hữu nước ngoài theo quy định pháp luật, và bản thân công ty cũng không muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu, thì công ty có thể nộp hồ sơ báo cáo về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài ngay mà không cần phải họp đại hội đồng cổ đông.
Trong trường hợp công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài bị vượt mức quy định do thay đổi ngành nghề kinh doanh, thì công ty và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty.
Không bị hạn chế "room ngoại" tại tổ chức kinh doanh chứng khoán
Thông tư 123 khẳng định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại tổ chức kinh doanh chứng khoán là không bị hạn chế. Trong đó: Tổ chức nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 21 và khoản 24 Điều 1 Nghị định số 60 được sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; và mỗi nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, tổ chức khác chỉ được sở hữu dưới 51% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Tuy nhiên, "tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được quy định tại Điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, trừ trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên", Thông tư quy định thêm.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Thông tư 123 ban hành đã quy định chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ hướng dẫn để các Công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 60.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long, Thông tư 123 có những điểm qui định mang tính đột phá. Trước hết đó là việc tiết giảm thời gian làm thủ tục hồ sơ cho nhà đầu tư nước ngoài về tiết giảm tối đa các đầu tài liệu, cho phép tài liệu bằng tiếng Anh không cần dịch sang tiếng Việt.
Đặc biệt, "theo qui định nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam phải "hợp pháp lãnh sự đối với các hồ sơ" và thủ tục này làm mất thời gian tới 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy khi bỏ qui định này đã tạo ra một bước đột phá lớn về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa việc tiếp cận, tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh./.