Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng giao dịch với những biến động khá tiêu cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/5/2015, chỉ số VN-Index đứng ở mức 550,1 điểm, tức giảm mạnh 3,2% so với mức 568,28 điểm của ngày 16/4/2015. Tương tự chỉ số HNX-Index cũng để mất 4,9% và giảm xuống mức 79,34 điểm.
Trong khoảng 1 tháng qua, hàng loạt các cổ phiếu có tính đầu cơ cao như HAI, LCM, OGC, ITQ, GTN... sụt giảm mạnh. Trong đó, HAI đã có mức giảm tới 24%, OGC giảm 43%, GTN giảm 37,4%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt, có nền tảng cơ bản ổn định như GAS, BVH, HAG... cũng không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có những diễn biến tiêu cực thì vẫn xuất hiện những bất ngờ và bất ngờ đó mang tên SHN. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây (20 phiên giao dịch) thì SHN đã bứt phá từ 2.900 đồng/CP (15/4) lên mức 7.000 đồng/CP (20/5), tức tăng trưởng 141%, trong đó có tới 11 phiên tăng trần và chỉ có 2 phiên giảm,
Một mức tăng trưởng đáng mơ ước với nhiều cổ phiếu không chỉ trong điều kiện thị trường khó khăn ngay cả khi thị trường diễn biến thuận lợi
Vậy điều gì đã khiến SHN trỗi dậy mạnh mẽ như vậy?
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2014 của công ty. Theo báo cáo kiểm toán, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 2,27 tỷ đồng, giảm 57,5% so với năm trước. Công ty lỗ sau thuế năm 2014 lên tới 78,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, SHN lãi gần 10 tỷ đồng. EPS cả năm âm 2.432 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, số lỗ lũy kế của SHN đã vượt vốn điều lệ, theo quy định, SHN sẽ buộc hủy niêm yết.
SHN cũng đã có công văn giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy niêm yết. Trong đó, tính đến hết ngày 31/12/2014, SHN đã trích lập 100% công nợ phải thu của CTCP BETA-BQP và ông Nguyễn Anh Quân với số tiền 237,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc thị trường BĐS trầm lắng cũng như lãi suất ngân hàng và của tổ chức cá nhân cao cũng như việc CTCP BETA-BQP vi phạm hợp đồng chính là nguyên nhân dẫn đến việc số lỗ lũy kế của SHN vượt vốn điều lệ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, SHN nhận được các phụ lục có đầy đủ chữ ký của một số khách hàng, đồng ý miễn giảm lãi vay với số tiền 5,3 tỷ đồng. Ngoài ra, SHN cũng đã làm việc với Lienvietpostbank về việc cấn trừ công nợ.
Và mới đây, LienvietpostBank cũng đã chấp nhận cấn trừ 13,6 tỷ đồng công nợ của SHN thông qua nhận 1,36 triệu cổ phiếu.
Như vậy, nếu số lỗ lũy kế của SHN được điều chỉnh, thì công ty này nhiều khả năng không còn thuộc diện bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định Nghị định 58 !?
Ngoài ra, SHN cũng mới công bố BCTC hợp nhất quý I/2015, với mức lợi nhuận sau thuế là hơn 247 triệu đồng, trong khi cùng kỳ, công ty lỗ tới hơn 1,4 tỷ đồng.
Có thể thấy, nguyên nhân chính khiến cổ phiếu SHN tăng chóng mặt trong hơn 1 tháng qua chính là cơ hội thoát án hủy niêm yết bắt buộc. Tuy nhiên, điều này có trở thành sự thật hay không thì SHN còn phải chờ quyết định của UBCK. Hy vọng lúc đó quyết định "đánh bạc" của nhà đầu tư với SHN thời gian qua là sáng suốt. Nếu không, SHN sẽ một lần nữa khiến không ít cổ đông, nhà đầu tư phải "ngậm đắng nuốt cay" về bánh vẽ của mình