Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tăng vọt, SHN toan tính gì?

Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tăng vọt, SHN toan tính gì?

(NDH) Chỉ trong 1 tháng, SHN đã kiếm về 50,2 tỷ đồng lợi nhuận, khiến kế hoạch lãi 70 tỷ trước đó trở nên quá dễ dàng. Nâng kế hoạch lợi nhuận lên 350 tỷ đồng, ông chủ tương lai Geleximco của SHN đang cho thấy những mong muốn lớn hơn đối với công ty này.

Tăng kế hoạch lợi nhuận “bất thình lình”

Theo tài liệu họp gửi tới các cổ đông tham dự ĐHĐCĐ, SHN đặt mục tiêu lợi nhuận 2015 đạt 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến của ông Vũ Văn Tiền, ngay trong buổi sáng, HĐQT của SHN đã thống nhất tăng lợi nhuận gấp 5 lần từ 70,2 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng.

Vậy liệu con số kế hoạch 350 tỷ đồng có khả thi? Trước đó, vào ngày 22/6, SHN thông báo đã nhận được quyền môi giới bán sàn trung tâm thương mại tại Dự án CT2, ước thu về 50 tỷ đồng. Vỏn vẹn hơn một tuần, hoạt động môi giới đã có đóng góp lớn, giúp lợi nhuận quý II ước đạt 50,2 tỷ đồng, tương đương 15,5% vốn điều lệ của Hanic khi đó.

Tại Đại hội, ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT cho biết "Tập đoàn Geleximco đã hứa với chúng tôi mỗi tháng sẽ giúp chúng tôi thu lợi nhuận hàng tháng từ 50-60 tỷ đồng". Trao đổi với phóng viên bên lề Đại hội, ông Long cũng nói "Giúp SHN, đại gia Vũ Văn Tiền nói là làm được" và "Geleximco đang ưu ái cho SHN hết mức".

Cũng phải nói thêm rằng, mục tiêu lợi nhuận năm 2015 còn "nhỉnh" hơn so với vốn điều lệ của Hanic hiện nay (324 tỷ đồng). Thực chất, với số lỗ lũy kế cuối năm 2014 (321 tỷ đồng), vốn điều lệ của Hanic đã bị ăn mòn gần hết. Theo báo cáo kiểm toán ban đầu, khoản lỗ của công ty lên tới 326 tỷ đồng vượt vốn điều lệ nhưng nhờ Hanic hạch toán giảm lãi vay sau khi xin miễn giảm lãi với một số khách hàng, khoản lỗ lũy kế đã giảm 5 tỷ đồng, chính thức giúp SHN thoái án hủy niêm yết.

Nếu Hanic hoàn thành mục tiêu lãi 350 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế này dự kiến sẽ được "xóa" trong năm nay. Điều này cũng có nghĩa Hanic hoàn toàn đủ điều kiện để phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong quý I/ 2016 như kế hoạch đã trình ĐHĐCĐ.

Tăng vốn: Từ phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ, hoán đổi cổ phần đến huy động tiền thật

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận tăng vọt, vốn điều lệ của Hanic dự kiến cũng sẽ tăng với tốc độ tương ứng. Cụ thể, theo lộ trình trong năm 2015, Hanic sẽ hoàn tất tăng vốn qua phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ và phát hành cổ phiếu hoán đổi cổ phần với tỷ lệ 1:1. Các hình thức phát hành này đều không mang lại dòng tiền cho Hanic nhưng sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính cho công ty.

Lộ trình tăng vốn của SHN từ cuối năm 2014 đến quý I/2016

Tuy nhiên, với kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng, nếu thành công Hanic sẽ có thể thu về tiền thực. Số vốn huy động được Hanic dự kiến sẽ dành 600 tỷ đồng để đầu tư vào công ty con, còn gần 100 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động bổ sung vốn lưu động. Sau khi tiến hành phát hành hoán đổi, SHN có hai công ty là ABG và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hàng hóa Việt Nam.

Công ty "Bình cũ - rượu mới": Kênh huy động vốn cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế trải qua nhiều khó khăn thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển mình để tái cấu trúc. Không ít các DNNY đã "lột xác" với ngành nghề kinh doanh mới. Một trường hợp phải kể tới là CTCP Cơ khí Điện Lữ Gia (mã LGC- HOSE).

Mặc dù vẫn giữ nguyên mã cổ phiếu LGC nhưng công ty này đã mang một tên mới CTCP Cầu đường CII, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng với những danh mục tài sản là các dự án cầu đường. Những dự án này đều được công ty nhận về từ công ty mẹ CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Tp.HCM (CII).

Khi thực hiện tái cấu trúc, LGC đã phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn và sử dụng vốn thu được để mua các dự án của CII. Do là công ty mẹ của LGC nên CII khi đó cũng phải chi mua phần lớn chứng khoán phát hành. Nhưng với sự hấp dẫn của danh mục tài sản mới, CII B&R (LGC) đã thu hút nhà đầu tư là một Tập đoàn hạ tầng Philippines, Metro Pacific Tollways Corporation. MPTC sau đó đã mua lại cổ phiếu và trái phiếu hoán đổi từ CII, qua đó tăng sở hữu tại LGC. Còn về CII, công ty này đã huy động vốn thành công nhờ bán chứng khoán công ty con.

Còn về SHN, sau thời gian dài không thoát được khó khăn, công ty này đã có được bước ngoặt khi các cổ đông của ABG chấp nhận hoán đổi cổ phiếu ABG đang sở hữu để lấy cổ phiếu SHN phát hành thêm. Hanic sau đó sẽ mang trong mình một "chất" mới, trở thành công ty mẹ sở hữu 95% cổ phần của một doanh nghiệp vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Do không phải là công ty đại chúng nên ngoài thông tin về vốn điều lệ (1.000 tỷ đồng), lĩnh vực kinh doanh (môi giới, kinh doanh bất động sản, tư vấn dự án...) và cơ cấu cổ đông, những thông tin chi tiết cùng cơ cấu danh mục tài sản của ABG vẫn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư.

Kỳ vọng ban đầu của hoạt động sáp nhập SHN và ABG là nhằm đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các dự án. Nên không quá ngạc nhiên khi SHN được sử dụng để trở thành kênh huy động vốn cho những dự án của ABG. Tuy nhiên, việc huy động vốn thành công hay không còn phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của công ty sau quá trình "lột xác" chứ không chỉ là những con số lợi nhuận từ những hoạt động có được nhờ Geleximco "ưu ái".