Điện máy Trần Anh: Chúng tôi sẵn sàng cho 1 năm 2016 không lợi nhuận

Điện máy Trần Anh: Chúng tôi sẵn sàng cho 1 năm 2016 không lợi nhuận

Thông báo mở 1 lúc 9 siêu thị điện máy chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng cuối năm 2015, có thể nói mục tiêu của điện máy Trần Anh là đầy tham vọng.

Ông Ngô Thành Đạt - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh tin rằng, với kế hoạch sẵn sàng hi sinh lợi nhuận tới hết năm 2016 và sự trợ giúp của Nojima, Trần Anh có thể bứt phát trong thời gian tới.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2015, Trần Anh báo lãi gần 12 tỷ đồng. Lợi nhuận này có phải đến một phần không nhỏ từ việc trả lại các mặt bằng của Trần Anh tại các TTTM?

Như đã biết, để thống nhất và đồng bộ trong chiến lược thương hiệu của hai bên (Trần Anh và Vingroup), kể từ ngày 24/2/2015, Trần Anh không tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh hai siêu thị điện máy tại Trung tâm Thuơng mại (TTTM) Royal City và Times City mà trao trả lại mặt bằng cho Vingroup.

Thực tế khoản tiền Vingroup đền bù cho Trần Anh sau khi ngừng hoạt động hai siêu thị nằm trong TTTM thấp hơn số tiền chúng tôi đã đầu tư mở hai siêu thị này, chưa kể sau đó chúng tôi phải duy trì lượng nhân viên dư thừa khi phải đóng cửa hai siêu thị làm phát sinh chi phí cho Trần Anh. Vì vậy, thông tin trên là không chính xác.

Vậy tất cả đều đến nhờ hoạt động kinh doanh?

Đúng vậy. Vì coi đây là giai đoạn bản lề để vươn lên bứt phá nên ngay từ năm 2013, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch kinh doanh không có lợi nhuận trong 3 năm tới (năm 2014, 2015, 2016). Thế nhưng sau 3 Quý nỗ lực hoạt động, doanh thu của Trần Anh vẫn tăng và lợi nhuận đạt 154% kế hoạch năm.

Con số này tuy không phải là lớn so với một số nhà bán lẻ cùng ngành nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa với Trần Anh trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Nó chứng tỏ một điều: Lộ trình chúng tôi đang đi là hoàn toàn đúng hướng.

Theo chia sẻ của 1 chuyên gia trong ngành điện máy, việc mở mới hàng loạt siêu thị điện máy sẽ khiến DN vướng ngay vào bài toán quản lý chuỗi và logistics. Tuyên bố ra mắt tới 9 điểm bán mới trong quý cuối năm, Trần Anh có phải đối mặt với vấn đề này?

Việc mở mới 9 đại siêu thị trong Quý IV/2015 là bước đi nằm trong lộ trình kế hoạch phủ điểm mà Trần Anh và đối tác chiến lược Nojima đã thống nhất từ đầu năm chứ không phải hành động chạy đua mang tính bộc phát. Hơn nữa, chúng tôi không mở cùng lúc 9 siêu thị mà rải từ tháng 10 đến tháng 12, trong đó tháng 12 mới là thời điểm khai trương dày đặc nhất.

Không phủ nhận vấn đề duy trì hệ thống quản lý chuỗi và logistic trong ngành điện máy hết sức khó khăn, phức tạp, song là một nhà bán lẻ điện máy đi lên từ công ty máy tính với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực từ phía Tập đoàn Nojima - cũng là một trong những cái tên kinh doanh điện máy hàng đầu Nhật Bản, Trần Anh đã từng bước vượt qua những rào cản liên quan đến vấn đề này.

Minh chứng rõ ràng nhất là 15 chi nhánh của chúng tôi vẫn đang vận hành một cách trơn tru và tăng trưởng đều đặn, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi bắt tay vào mở thêm 9 siêu thị mới trong Quý IV.

Mở ra hàng loạt như vậy, doanh thu của Trần Anh sẽ có bước nhảy vọt nào trong quý IV tới không?

9 siêu thị mới của Trần Anh được khai trương vào tháng 11 và 12, do đó khả năng doanh thu nhảy vọt trong quý IV là khó xảy ra vì mới chỉ hoạt động được ít ngày, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng doanh thu của chúng tôi sẽ tăng cao vào những năm sau, khi mà các siêu thị mới mở đã đi vào hoạt động ổn định.

Doanh thu tăng không có nghĩa là sẽ có lợi nhuận. Mở ra nhiều điểm bán như vậy, công ty có xác định là năm nay sẽ lỗ?

Với những gì đang diễn ra, chúng tôi tin chắc là năm nay chúng tôi sẽ có lãi vượt xa mục tiêu đề ra từ đầu năm chứ không thể lỗ được.

Nhìn vào những điểm bán mới mở ra, có thể tạm hiểu chiến lược của Trần Anh là "về tỉnh". Tuy nhiên, dung lượng thị trường các tỉnh phía Bắc còn khá thấp. Trong trường hợp không chỉ Trần Anh mà có thêm PICO, Mediamart hay HC cùng nhảy vào một tỉnh thì cuộc chơi sẽ rất khó khăn. Ông có cho rằng đây là rủi ro lớn nhất của việc "về tỉnh" không?

Cái khó thứ nhất như tôi đã nói ở trên là vấn đề quản lý chuỗi và logistic, cái khó thứ hai cũng thách thức không kém là vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn cùng ngành.

Thế nhưng đây là hai cái khó chung của tất cả các ngành, nghề kinh doanh chứ không riêng gì chúng tôi. Anh muốn lớn mạnh thì anh phải mở rộng chuỗi. Anh muốn phát triển thì anh phải cạnh tranh. Và nếu anh muốn cạnh tranh tốt thì khẳng định anh phải tạo được sự khác biệt.

Bản thân Trần Anh đang cố gắng tạo sự khác biệt bằng cách theo đuổi một mô hình mới hướng tới chất lượng dịch vụ khách hàng theo sự tư vấn của đối tác Nojima với 56 năm kinh nghiệm bán lẻ điện máy ở một thị trường khó tính như Nhật Bản. Đây là điểm khác biệt duy nhất Trần Anh có so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt duy nhất này?

Ưu thế cạnh tranh lớn nhất mà Trần Anh có được tính đến thời điểm này là sự hỗ trợ cả về vốn lẫn kinh nghiệm và công nghệ bán lẻ từ phía Nojima, một trong những nhà bán lẻ điện máy đứng đầu Nhật Bản. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Nojima còn giúp Trần Anh rất nhiều trong việc tư vấn vận hành, quản lý chuỗi sao cho tốc độ mở rộng mạng lưới luôn tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của toàn hệ thống.

Chưa kể, Trần Anh ý thức về vấn đề quản trị từ rất sớm nên chúng tôi có một nền tảng quản trị khá tốt so với các đối thủ khác. Ngay từ năm 2005, chúng tôi đã đầu tư cho hệ thống quản trị tồn kho đích danh theo serial của từng sản phẩm, năm 2006 chúng tôi triển khai hệ thống ERP năm 2010 chúng tôi đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong khi rất nhiều đối thủ khác của Trần Anh bây giờ mới quan tâm đến những vấn đề này và đang dò dẫm triển khai, như vậy là họ đang đi sau Trần Anh cả chục năm rồi.

Cũng cần nói thêm, đối với Trần Anh, chúng tôi coi tất cả DN cùng ngành đều là đối tác để có thể cùng nhau học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển.

Một số hãng điện máy bắt đầu với tư duy bán hàng online và không đặt nặng việc mở thêm số điểm bán để tăng doanh số nữa. Liệu Trần Anh có đi ngược xu thế?

Có thể nói, Điện máy Trần Anh là một trong những cái tên đi tiên phong trong mảng kinh doanh online. Nhưng nhìn rộng ra tổng thể khu vực và thế giới, nơi mà cơ sở hạ tầng để phát triển thương mại điện tử tốt hơn Việt Nam rất nhiều mà tỷ trọng kinh doanh online ngành hàng điện máy cũng chỉ khiêm tốn thì có thể khẳng định trong vòng 5 năm tới, mảng kinh doanh online ở Việt Nam vẫn chưa thể thay thế kênh bán hàng truyền thống được mà hai kênh sẽ phát triển cùng nhau.

Trang Lam

Theo Trí Thức Trẻ