Điểm mặt đại gia "ẩn mình" trên UPCoM

Dù còn ít được quan tâm như các sàn niêm yết, nhưng thị trường UPCoM vẫn thu hút được một số đại gia với quy mô và tầm ảnh hưởng thậm chí còn lớn hơn không ít doanh nghiệp đang niêm yết trên các sàn chính thức.

Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, sau 3 tháng kể từ khi cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM và nếu đủ điều kiện niêm yết thì sau 1 năm phải đưa cổ phiếu lên niêm yết. Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong quý I/2015, thanh khoản trên sàn UPCoM đã tăng gấp 10 lần so với quý I/2014. Tín hiệu này cho thấy, UPCoM không còn là một thị trường quá lép vế như trước.

Trên sàn UPCoM hiện có 197 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với mức vốn hóa gần 37.000 tỷ đồng, tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch là 2,85 tỷ cổ phiếu (tương đương 28.500 tỷ đồng tính theo mệnh giá). Với tính chất là một sân chơi đủ để tạo thanh khoản cho cổ phiếu giao dịch, nhưng các quy định lại không quá khắt khe như niêm yết, sàn UPCoM đã được nhiều doanh nghiệp coi như nơi tập dượt trước khi đưa cổ phiếu lên sàn chính thức.

UPCoM hiện có 197 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với mức vốn hóa thị trường 37.000 tỷ đồng. Ảnh: Đ.T
UPCoM hiện có 197 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, với mức vốn hóa thị trường 37.000 tỷ đồng.

Trong khi nhiều người cho rằng, UPCoM là sân chơi của các doanh nghiệp "thấp bé, nhẹ cân", thì trên thực tế, có khá nhiều gương mặt lớn đang "ẩn mình" tại đây. Có thể kể ra một vài cái tên tiêu biểu, như Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã TIS), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sài Đồng (Saidong Urban JSC, mã SDI), Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank (SBS, mã SBS), Công ty Phát triển đô thị Nam Hà Nội (Hanoi City JSC, mã NHN)…

Có vốn điều lệ lên tới 2.840 tỷ đồng và tổng tài sản lên tới gần 10.700 tỷ đồng, TISCO có thể được coi là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sản phẩm thép TISCO được sử dụng tại hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia, như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Yaly, Thủy điện Sơn La, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương… và xuất khẩu sang các thị trường Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia...

Với sức ảnh hưởng không hề kém, Saidong Urban JSC có vốn chủ sở hữu gần 2.800 tỷ đồng và tổng tài sản đạt tới hơn 10.300 tỷ đồng. Là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, Saidong Urban JSC hiện là chủ đầu tư Dự án Vinhomes Riverside (một khu đô thị sinh thái) tại quận Long Biên, Hà Nội. Năm 2014, tổng doanh thu của Saidong Urban JSC đạt hơn 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Ngoài Saidong Urban JSC, sàn UPCoM còn có một thành viên khác của Tập đoàn

Vingroup, đó là Hanoi City JSC. Với quy mô vốn điều lệ tới 2.000 tỷ đồng, Hanoi City JSC hiện là chủ đầu tư của đại Dự án Times City và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.

Dự án Times City tọa lạc tại cửa ngõ chính phía Nam Thủ đô Hà Nội, với tổng diện tích đất dự án lên tới 360.500 m2, trong đó, Bệnh viện

Vinmec có diện tích lên tới 24.670 m2.

Trong khi đó, SBS - công ty chứng khoán thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - có quy mô vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng.

Trở lại câu chuyện liên quan đến thị trường UPCoM, theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc HNX, gần đây, một số quỹ đầu tư đã tỏ ra quan tâm nhiều đến cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn này. Điều đó cho thấy, ngoài các doanh nghiệp kể trên, thị trường UPCoM cũng có không ít cổ phiếu của doanh nghiệp tốt khác đang giao dịch.

Được biết, một số cơ chế mới đang được cơ quan quản lý xem xét để đưa vào áp dụng đối với sàn UPCoM nhằm tăng sức hấp dẫn cho thị trường này, như nới lỏng biên độ giá cổ phiếu, xây dựng các bộ chỉ số ngành cho các doanh nghiệp trên UPCoM…