640,75 điểm: Là đỉnh của VN-Index đạt được trong năm 2014
Mặc dù hứng chịu một đợt giảm điểm quy mô khá lớn từ sự kiện biển Đông hồi tháng 5/2014, tuy nhiên, sau khi sự kiện này lắng xuống, Vn-Index đã hồi phục rất nhanh và chỉ sau 9 tháng chỉ số VN-Index đã đạt đỉnh 640,75 điểm tức tăng 27% so với hồi cuối năm 2013 và đây cũng là mức điểm cao nhất của VN-Index trong vòng hơn 6 năm qua.
8,13% và 22,32%: Là mức tăng trưởng của VN-Index và HNX-Index trong năm 2014. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2014,VN-Index đạt 545,63 điểm, tăng 8,13% so với cuối năm 2013, HNX-Index 82,98 điểm tăng 22,32% so với cuối năm 2013. Đã có thời điểm VN-Index tăng hơn 20% tuy nhiên sự kiện Biển Đông và giá dầu đã lấy đi gần hết thành quả tăng điểm của 5 tháng đầu năm.
32,88 điểm (-5,87%): Là mức giảm mạnh nhất của Vn-Index trong năm 2014 (ngày 8/5 do ảnh hưởng của sự kiện biển Đông) và cũng là mức giảm mạnh nhất trong 13 năm qua kể từ năm 2001. Trong phiên 8/8, chỉ số HNX-Index cũng giảm 5,29 điểm (-6,92%) xuống mức 71,26 điểm,
41,6%: Là mức giảm giá của cổ phiếu GAS - trụ cột lớn nhất của VN-Index tại thời điểm cuối năm so với đỉnh đạt được vào tháng 9/2014 do ảnh hưởng bởi giá dầu đã lao dốc từ 100 USD xuống chỉ còn 55,91 USD.Giá dầu giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu thuộc dòng dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam như GAS, PVD, PVS, PGS… và qua đó ảnh hưởng rất mạnh đến VN-Index. Trong đó GAS đã giảm từ 120.000 đồng/cp xuống 70.000 đồng/cp vào cuối năm, có thời điểm GAS xuống 60.000 đồng/cp (giảm 50%).
31%GDP: Mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 172.000 tỷ đồng so với cuối năm 2013, ở mức 31% GDP, trong đó sàn HoSE chiếm 88%.
533.052 tỷ đồng: Là giá trị giao dịch của sàn HoSE đạt được năm 2014, gấp đôi năm trước. Trong đó tại sàn Hà Nội tổng khối lượng giao dịch đạt gần 17 tỷ cổ phiếu, tăng mạnh 61% so với năm 2013, đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch sàn HNX đạt trên 199.527 tỷ đồng, tức gấp 2,43 lần so với giá trị giao dịch năm 2013.
Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên trên TTCK Việt Nam đạt 5.575 tỷ đồng, gấp đôi năm 2013 (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 2.967 tỷ đồng, tăng 116% so với năm trước).
280.000 tỷ: Là số vốn huy động được trên TTCK năm 2014, tăng 7% so với năm 2013 trong đó phát hành cổ phiếu trái phiếu DN đạt gần 30.000 tỷ, vốn huy động qua cổ phần hóa hơn 10.000 tỷ, gấp 8 lần năm 2013, vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ đạt 241.000 tỷ, tăng 24% so với năm 2013.
2: Là số lượng quỹ ETF thành lập năm 2014 trong đó VFM thành lập quỹ ETF VFMVN30 tham chiếu theo chỉ số VN30 trong khi SSIAM thành lập quỹ ETF SSIAMHNX30 tham chiếu theo chỉ số HNX30 trên sàn Hà Nội.
Năm 2014 xu hướng chung trên thị trường là giải thể các quỹ đóng và chuyển đổi thành quỹ mở. Trong đó VFM chuyển đổi thành công 3 quỹ đóng đang niêm yết là VFMVF1, VFMVF4 và VFMVFA thành quỹ mở. Tiếp theo 2 quỹ khác hủy niêm yết là MAFPF1 và ASIAGF để giải thể.
143: Là số DN cổ phần hóa năm 2014.T heo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2014 có 76 DN bán đấu giá cổ phần trên Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó 64 DN đã thu tiền bán cổ phần với 49% số cổ phần được bán theo kế hoạch, thu về 5.115 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch. Giá đấu thành công bình quân là 13.492 đồng/cổ phần, giá đấu bình quân cao nhất là 44.693 đồng/cổ phần (của Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn). Thặng dư số thu khi bán cổ phần của các DNNN là 1.324 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp cổ phần hóa nổi bật năm 2014 là Vietnam Airlines và Vinatex. Trong đó Vietnam Airlines chào bán hết 100% cổ phần, giá bình quân 22.307 đồng/cp, Vinatex chào bán thành công 90% cổ phần, giá bình quân 11.000 đồng/cp.
Nguồn: Internet
5%: Là quy định mới về tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán của Thông tư 36 “Quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh NH nước ngoài” nhằm siết sở hữu chéo, ngân hàng không cho vay đầu tư cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.
Theo đó, Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Thông tư 36 đã tác động không nhỏ đến tâm lý NĐT vào cuối năm.
3.700 tỷ: Là giá trị mua ròng của khối ngoại năm 2014, tương ứng khối lượng mua ròng đạt gần 299,64 triệu cổ phiếu.
Trên sàn HOSE, giá trị mua ròng của khối ngoại giảm đi đáng kể so với 2 năm trước, chỉ đạt hơn 2.886 tỷ đồng (hơn 208 triệu cổ phiếu). Trong khi đó, con số này của năm 2013 lên tới hơn 5.505 tỷ đồng và năm 2012 là trên 3.300 tỷ đồng.
Tương tự sàn HOSE, giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HNX trong năm 2014 cũng chỉ đạt gần 845,8 tỷ đồng (91,4 triệu cổ phiếu), giảm mạnh so với mức 1.324 tỷ đồng của năm 2013 và 1.218 tỷ đồng của năm 2012.
4 tỷ cổ phiếu niêm yết mới trong năm 2014
Năm 2014, trên ba sàn HOSE, HNX và UpCom có tổng cộng 54 cổ phiếu và một chứng chỉ quỹ mới niêm yết, với tổng khối lượng cổ phiếu mới lên tới gần 4 tỷ CP.
Nguồn: Internet
Trên sàn HOSE có 9 cổ phiếu niêm yết mới với tổng số lượng cổ phiếu là 3,2 tỷ CP, trong đó có các ông lớn như là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID, chiếm tới 2,8 tỷ cổ phiếu và CTCP Đầu Tư Thế Giới Di Động (MWG). Trong khi đó, có 13 cổ phiếu được niêm yết mới trên sàn HNX, với tổng khối lượng cổ phiếu mới niêm yết là trên 307,7 triệu CP.
Ở chiều ngược lại, trong năm 2014 có 5 doanh nghiệp và 2 chứng chỉ quỹ (MAFPF1 và ASIAGF) hủy niêm yết trên sàn HOSE (cổ phiếu ALP và chứng chỉ quỹ ASIAGF sẽ bị hủy niêm yết kể từ ngày 31/12/2014), trong khi đó, có tới 22 doanh nghiệp hủy niêm yết trên sàn HNX.