Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của VDS diễn ra chiều ngày 8/4 |
Phát hành giá 10,000 đồng/cp có khả thi?
Trên cơ sở dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2015 sẽ có những chuyển biến tích cực, Ban lãnh đạo VDS nhận thấy cần có phương án tăng vốn khả thi nhằm bổ sung nguồn lực tài chính, nắm bắt cơ hội tốt của thị trường, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh doanh và xóa lỗ lũy kế của những năm trước, đồng thời tăng sự an toàn và vững mạnh tài chính. Song, phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi hay phát hành trái phiếu chuyển đổi đã đề ra trong năm 2014 có vẻ không khả thi do vậy HĐTQ đã trình ĐHĐCĐ phương án khác là chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phần với giá dự kiến 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 550 tỷ đồng.
Tại Đại hội, một cổ đông có ý kiến cho rằng chưa nên tăng vốn do e ngại việc giá cổ phiếu VDS trên sàn hiện tại chỉ giao dịch ở mức 8,100 đồng/cp, khi phát hành sẽ bán cho ai? Bên cạnh đó, nếu phát hành cho tổ chức hết số cổ phiếu này thì khả năng VDS sẽ bị chi phối còn nếu bán cho cổ đông hiện hữu thì khó thành công do cao hơn giá trên sàn.
Ông Nguyễn Miên Tuấn - Chủ tịch HĐQT VDS cho biết hiện tại VDS chưa có đủ điều kiện phát hành ra công chúng do còn lỗ lũy kế nên chỉ có phương án phát hành riêng lẻ để tăng vốn. Mặc dù giá VDS diễn biến không tốt theo thị trường nhưng do trong năm 2014 kết quả kinh doanh khả quan đưa giá trị sổ sách của công ty tiệm cận mức 10,000 đồng/cp. Bên cạnh đó, điều kiện tài chính của công ty với vốn điều lệ chỉ gần 350 tỷ đồng là rất hạn chế nên cần phải phát hành để nâng cao năng lực cạnh tranh. Về việc phát hành cao hơn thị giá, ông Tuấn cho biết là không dễ dàng nhưng kỳ vọng sẽ tìm được nhà đầu tư nhìn nhận được nền tảng và tiềm năng phát triển của công ty, qua đó sẵn sàng đồng hành cùng VDS và chấp nhận mức giá 10,000 đồng.
Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm, giai đoạn 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa TTCK Phái sinh vào hoạt động nhưng kèm theo những yêu cầu về vốn điều lệ tối thiểu để tham gia, do vậy VDS cần phát hành trong năm 2015 để hội nhập vấn đề này.
Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bão lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu tùy theo điều kiện thị trường.
Năm 2015, kế hoạch lãi 46 tỷ đồng là vô cùng thách thức
Trong năm 2015, với kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên gần 550 tỷ đồng, cùng các giả định như giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 3,000 tỷ đồng/ngày, thị phần giữ ở mức 2%, dư nợ bình quân 400 tỷ đồng, dư nợ ứng trước bình quân là 80 tỷ đồng. VDS đề ra kế hoạch tổng doanh thu 175 tỷ đồng, trong đó, doanh thu môi giới 60 tỷ đồng, dịch vụ chứng khoán 65 tỷ đồng, tự doanh 30 tỷ đồng và các mảng khác 20 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 46 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho biết con số lợi nhuận trước thuế 46 tỷ đồng đối với VDS là cực kỳ tham vọng. Kết quả đạt được năm 2014 chủ yếu là do công ty thoái vốn mà có. Năm 2015 các chỉ tiêu môi giới, tự doanh và đầu tư đều xấp xỉ hay thậm chí có phần cao hơn thực hiện của năm 2014. Thêm vào đó, đầu năm 2015 do tác động từ nước ngoài, Thông Tư 36,.. nên thanh khoản thấp và điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công ty. Ông nhìn nhận cơ hội thị trường năm 2015 là không dễ dàng nên kế hoạch 2015 đặt ra rất thách thức.
Về những giả định mà VDS đặt ra để có kế hoạch 2015, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hiếu - Tổng Giám đốc công ty cho biết mức giá trị giao dịch bình quân 3,000 tỷ đồng/ngày mà công ty đưa ra dựa trên triển vọng khả quan của kinh tế Việt Nam, thêm vào đó, các hoạt động IPO, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cùng niềm tin dài hạn của nhà đầu tư là những nhân tố quyết định.
Bên cạnh kế hoạch 2015, VDS đề ra kế hoạch dài hơn cho giai đoạn 2015-2018 với lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ ở mức 15-20%, xóa lỗ lũy kế từ năm 2015 (kết thúc năm 2014 khoản lỗ lũy kế của VDS còn lại hơn 45 tỷ đồng) vốn điều lệ lên mức 600-800 tỷ đồng, giữ vững thị phần môi giới trong top 10 và đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hiếu - Tổng giám đốc công ty, việc giữ vững thị phần là mục tiêu lớn công ty đề ra, vấn đề này sẽ được thực hiện trong nhiều năm.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của HĐQT, do thị trường luôn diễn biến nên có khả năng trong năm 2015 lợi nhuận VDS mang lại chưa thể xóa lỗ lũy kế. Nếu xảy ra trường hợp này, HĐQT đề xuất sẽ sử dụng một phần hoặc toàn bộ thặng dư vốn cổ phần để bù đắp (mức thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2014 ở mức gần 33.5 tỷ đồng) và vấn đề này cũng đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2015, ông Tuấn cho biết do tình hình thiếu khả quan của thị trường làm thanh khoản sụt giảm, doanh thu của công ty trong quý này ước đạt 28 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ gần 3,7 tỷ đồng.
Thoái vốn tại Bảo hiểm Bảo Long đưa lợi nhuận 2014 tăng mạnh
Kết thúc năm 2014, VDS thu về 228.6 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt hơn 105 tỷ đồng. Ông Nguyễn Miên Tuấn - Chủ tịch HĐQT VDS cho biết lợi nhuận của VDS chủ yếu đến từ việc thực hiện thành công thương vụ kết hợp giữa đầu tư và hoạt động ngân hàng đầu tư khi bán lại khoản đầu tư của VDS trong CTCP Bảo hiểm Bảo Long cho một tổ chức khác và hạch toán lợi nhuận này rơi nhiều vào quý 3 và 4/2014.
Ông chia sẻ thêm, các năm từ 2012-2014 VDS đều bán được các khoản đầu tư tương đối lớn và đem lại lợi nhuận tốt.
Tính đến cuối năm 2014, VDS có hơn 59 ngàn tài khoản, trong đó số tài khoản mở mới là 1,733 tài khoản, đạt 58% so với mức kế hoạch được giao (3,000 tài khoản). Số tài khoản đóng trong năm 2014 là 52 tài khoản. Tổng thị phần của VDSC trong năm 2014 là 1.46%, trong đó thị phần sàn HOSE đạt 1.61%, HNX là 1.06% và Upcom là 1.3%.