ĐHĐCĐ thường niên 2015 của SRF. |
Theo tờ trình HĐQT trình cổ đông, kế hoạch phát hành 1.22 triệu cổ phiếu ESOP sẽ được chia ra 5 đợt trong 5 năm 2015-2019, mỗi năm phát hành với tỷ lệ 5%, tương ứng 243,618 cp.
Nguồn vốn thực hiện phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và một số nguồn khác theo quy định căn cứ trên số liệu BCTC kiểm toán năm gần nhất.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch HĐQT SRF cho biết 5 năm trước công ty cũng đã xin ý kiến cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động nhưng không được thông qua. Đợt phát hành lần này có khác một chút là chỉ dành cho cán bộ quản lý chủ chốt và Ban điều hành tham gia.
Tại Đại hôi, có cổ đông cho rằng HĐQT cần cân nhắc lợi ích giữa cán bộ chủ chốt và cổ đông hiện hữu. Việc phát hành là nhằm tạo sự gắn bó lâu dài nhưng thực tế không có "sự trung thành" nào là 100% cả.
Kết quả, chỉ hơn 70% tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết thông qua với phương án phát hành ESOP. Đồng nghĩa với việc phương án này sẽ không được thông qua.
Kế hoạch lãi 54 tỷ đồng, giảm 17%
Ngoại trừ việc phát hành trên không được thông qua, còn lại các tờ trình khác đều được cổ đông nhất trí cao. Theo đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015 với doanh số hợp đồng tăng nhẹ nhưng lãi ròng lại giảm 17% cũng được thông qua.
Cụ thể, doanh số hợp đồng năm 2015 của SRF được đưa ra ở mức 1,250 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2014. Song kế hoạch lãi hợp nhất chỉ dừng ở con số 54 tỷ đồng, giảm 17%. Cổ tức 2015 dự kiến 12%.
Giải thích vấn đề này, ông Lê Tấn Phước - Thành viên HĐQT kiêm TGĐ SRF cho biết, lợi nhuận công ty tăng mạnh trong năm 2014 trước đó chủ yếu là do nhận được từ hoạt động M&A, trong đó, 1/3 là cổ tức nhận được từ công ty liên kết là CTCP Xây lắp Huế (HCC) và còn lại là khoản chênh lệch giữa giá trị doanh nghiệp và chi phí đầu tư tại thời điểm đầu tư vào HCC. Điều này có nghĩa là trong năm 2015 lợi thế này sẽ không còn được ghi nhận cho SRF.
Ngoài ra, HCC đưa ra kế hoạch lãi 25 tỷ đồng năm 2015, do đó HĐQT cũng phải điều chỉnh cho phù hợp kế hoạch của SRF.
Trong cơ cấu doanh thu năm 2015, ông Phước cho biết lĩnh vực M&E sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất. Măc dù năm 2015 được dự báo sẽ rất cạnh tranh trong mảng này nhưng SRF vẫn có những lợi thế riêng là lành mạnh về tài chính (được ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ tín dụng bằng tín chấp), việc hợp tác với Taisei Oncho cũng có bước đầu khởi sắc và kỳ vọng mang về những hợp đồng từ các dự án đầu tư của Nhật. Song, khó khăn của SRF chính là không cạnh tranh được ở phân khúc thấp do công ty chỉ tập trung vào phân khúc cao và trung cao.
Đối với mảng panel cách nhiệt, thị phần SFR chiếm khoảng 8-10%, hiện nay phân khúc này đang chịu sự cạnh tranh khá mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2015, SRF sẽ tiến hành đưa công nghệ mới vào lĩnh vực này.
Công ty cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào ngành nước, hiện đã đàm phám với một số đối tác nhưng không tiện công bố.
Ông Phước cho biết, quý 1/2015 công ty thường không được tốt lắm vì rơi vào dịp Tết, các công trình chưa nghiệm thu trong khi chi phí phát sinh vẫn rất lớn.
Ban Giám đốc SRF cũng đưa ra một số chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2018, theo đó doanh số hợp đồng dự kiến từ 2016-2018 sẽ ở mức lần lượt 1,500 tỷ đồng, 2,000 tỷ và 2,500 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2018 sẽ đạt lãi ròng 100 tỷ đồng.
Đại hội cũng thống nhất bầu bổ sung ông Đỗ Trọng Hiệp vào thành viên BKS của SRF nhiệm kỳ 2014-2019.
Tăng cổ tức 2014 thêm 2% Cổ đông cũng thông qua kết quả sản xuất kinh doanh 2014 của SRF với doanh số hợp đồng 1,134 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2013. Doanh thu thuần đạt 837 tỷ đồng và lãi ròng 64.8 tỷ đồng, lần lượt tăng 48% và 68% so với năm trước. Trên cơ sở đó, cổ tức 2014 được điều chỉnh tăng từ 10% lên 12%, trong đó đã tạm ứng 5% bằng tiền. |