[ĐHĐCĐ Sơn Hà] Nhà máy Nghệ An dự kiến sẽ hoàn tất trong quý I/2016

[ĐHĐCĐ Sơn Hà] Nhà máy Nghệ An dự kiến sẽ hoàn tất trong quý I/2016

(NDH Việc xây dựng cùng lúc 3 nhà máy sẽ là áp lực cho Sơn Hà. Cùng với đó, khả năng kiểm soát tại Sơn Hà của HĐQT có thể bị ảnh hưởng nếu 3 năm tới NĐT thực hiên toàn bộ chứng quyền, nắm giữ gần 30% vốn tại Sơn Hà cũng là vấn đề nổi cộm cổ đông SHI lo ngại.

Sáng ngày 23/9, CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI-HOSE) đã đồng thời tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án sửa đổi phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền ngay trong năm 2015, đồng thời bầu lại Ban kiểm soát.

9h14: Đại hội đã có sự tham dự của 28 cổ đông, đại diện cho 59% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và đã đủ điều kiện tiến hành.

Tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn cho biết trước đó SHI đã đề xuất và được thông qua phương án phát hành 180 tỷ đồng có mệnh giá 100 triệu đồng để xây thêm 1 nhà máy sản xuất ở các tỉnh phía Bắc và nhà máy sản xuất ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty nhận thấy thị trường trong nước có sự khởi sắc mạnh mẽ. Đồng thời để đảm bảo quá trình phát triển và tránh rủi ro cho cổ đông. Do vậy, ban điều hành công ty đã đề xuất phương án sửa đổi, lượng trái phiếu kèm chứng quyền sẽ tăng lên từ 180 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

Công ty dự kiến dành tới 140 tỷ đồng xây dựng nhà máy ở phía bắc và 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy ở Nghệ An. Thay vì chi ra 110 tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước ngoài, SHI sẽ chi khoảng 20 tỷ cho việc góp vốn xây dựng nhà máy ở Myanmar.

Phương án phát hành sẽ giữ nguyên như đã thống nhất tại ĐHĐCĐ thường niên, thông qua phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Giá thực hiện quyền ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng không dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sự thay đổi phương án phát hành này đến từ nhu cầu thị trường đang phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, theo ông Sơn, việc di dời nhà máy Phùng, Đan Phượng là rất cấp bách do nhà máy này đã hoạt động hết công suất. Đây là nhà máy sản xuất ống thép, hàng dân dụng, gia dụng, bình nước nóng, một phần bồn nước cũng được sản xuất tại đây. Sau khi di dời mảng gia dụng, sàn lưởng ống thép sẽ được tăng gấp đôi do nới thêm không gian.

Về phương án xây dựng nhà máy tại Nghệ An, ông Sơn cho biết Sơn Hà đã đi vào giai đoạn tăng sản lượng rất mạnh. Chi phí vận chuyển sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của công ty.

Theo đánh giá, nhu cầu từ phía người dân rất mạnh mẽ. Các vùng nông thôn trước đây không có nhu cầu quá nhiều nhưng sẽ thay đổi trong thời gian tới. Hoạt động đầu tư vào nhà máy ở Myanmar được giảm từ 110 tỷ đồng xuống dưới 20 tỷ đồng, nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư được thận trọng.

Phương án huy động vốn đã được các cổ đông đưa ra nhiều ý kiến để phân tích, thảo luận.

Cổ đông: Lộ trình phát hành trái phiếu? Thời gian và đối tượng phát hành đã được xác định hay chưa. Tiến độ giải ngân vào các nhà máy.

Ông Lê Vĩnh Sơn cho biết thời gian trước, SHI cùng sa đà vào các dự án ngoài ngành. Bản thân cá nhân và HĐQT đã nhận trách nhiệm đó và cam kết sự thay đổi. Đường hướng của SHI sẽ là quay trở lại lĩnh vực cốt lõi. Năm 2014, SHI đã lấy lại được hiệu quả, tăng gấp 5,6 lần cùng kỳ nhưng vẫn chưa quay trở lại thời kỳ trước đây. Kết quả kinh doanh 6 tháng đã vượt kết quả năm 2014.

Đối với kế hoạch đầu tư nhà máy tại Myanmar, ban đầu SHI dự kiến sẽ đầu tư với số vốn lớn. Giá hiện tại ở Myanmar rất cao, còn khả năng cho Sơn Hà cạnh tranh. Tuy nhiên, khi đó SHI chưa thấy được nhu cầu nội địa lớn như hiện nay, tiềm năng tương đương với đầu tư vào Myanmar. Thay vì đầu tư ra nước ngoài nhiều, SHI sẽ đầu tư trong nước.

Tiến độ giải ngân Sơn Hà phấn đấu trong năm 2015. Hiện đang có một số đối tác đàm phán nghiêm túc đối với số trái phiếu này. Ông Sơn cũng cho biết thêm đây là các quỹ đầu tư nước ngoài thuần túy.

Cổ đông đặt ra vấn đề trong trường hợp không huy động được vốn từ trái phiếu, SHI đã có phương án hai chưa.

Nếu không phát hành thành công, phát hành trái phiếu SHI sẽ trở lại kế hoạch vay qua ngân hàng. Nhiều ngân hàng rất quan tâm, sẵn sàng tài trợ số tiền này. Tuy nhiên, tiền vay của công ty sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Hà, tỷ lệ nợ vay quá lớn sẽ rủi ro cho công ty. Ông Sơn kỳ vọng sẽ động thông qua phát hành trái phiếu. Đồng thời chuyển dần sang cổ phiếu sau đó, giảm bớt tỷ trọng gia đình trong cơ cấu cổ đông.

Bà Phạm Thị Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc SHI cũng cho biết thêm nếu không huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, công ty sẽ vẫn thực hiện dự án. Lãi vay hiện nay của các TCTD cũng đang ở mức khá hấp dẫn, từ 8-8,5%.

Lo ngại về tính an toàn của phương án phát hành

Ông Sơn cho biết kỳ vọng sẽ phát hành trái phiếu cho 1 nhà đầu tư. Vấn đề này khiến cổ đông lo ngại về khả năng một nhà đầu tư mới nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu Sơn Hà khi kỳ hạn trái phiếu kết thúc sau 3 năm tới.

Về phương án huy động vốn, hiện Sơn Hà đang phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với lượng cổ phần cổ đông đăng ký mua khá lớn. Nếu NĐT thực hiện toàn bộ chứng quyền thì vốn điều lệ của SHI khoảng 740 tỷ đồng. Cổ đông thẳng thắn chất vấn liệu Sơn Hà có chấp nhận thời gian sau nhà đầu tư đó có thể tác động tới hoạt động của doanh nghiệp khi nắm giữ khoảng 30% vốn Sơn Hà sau hay không đó.

Ông Sơn cho biết các quỹ tham gia đàm phán hiện nay là các quỹ đầu tư nước ngoài thuần túy. Nhưng ông Sơn cũng không loại trừ khả năng các quỹ này sẽ nhượng lại cổ phần cho các đối tác là doanh nghiệp cùng ngành để chốt lời. Việc chọn 1 hay 2 đối tác, HĐQT sẽ phải xem xét thêm trong thời gian tới để ảnh hưởng về sau đối với đường hướng chiến lược của công ty, không bị xáo trộn các vị trí chủ chốt.

Thời gian xây dựng ba nhà máy trên là bao lâu? Doanh thu, thị phần SHI sau khi nhà máy đi vào hoạt động

Sơn Hà hiện đã nhận được Giấy phép đầu tư tại Nghệ An. Sắp tới đây, công ty sẽ duyệt phương án của các nhà thầu. SHI đặt mục tiêu phương án sẽ hoàn tất phê duyệt và khởi công vào tháng 10. SHI kỳ vọng nhà máy tại Nghệ An sẽ hoàn thành vào cuối quý I.

Nhà máy phía Bắc có thể sẽ được đặt tại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam. SHI sẽ xem xét thêm dựa vào chính sách đầu tư và các cơ sở khác. SHI sẽ xây dựng theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên sẽ xây dựng trên khu đất 5ha.

Đối với dự án tại Myanmar, SHI đang đàm phán với chính phủ Myanmar. Ông Sơn cho biết đầu tư vào Myanmar thời điểm hiện nay rất phức tạp do thủ tục khó khăn như trường hợp của FPT trước đó. Đối tác của Sơn Hà kỳ vọng từ 6 tháng đến 1 năm để hoàn tất xây dựng nhà máy tại Myanmar. Công ty dự kiến tiến độ nhận giấy phép khoảng 4 tháng tới.

Theo kế hoạch của công ty, năm 2016, tổng doanh thu của Sơn Hà khoảng 3.000 tỷ.

11h35: Đại hội tiến hành biểu quyết. Ngoại trừ một phiếu không hợp lệ, các cổ đông đều nhất trí đồng ý với cả hai nội dung trình cổ đông gồm phát hành trái phiếu kèm chứng quyền và bầu thay thế ông Nguyễn Văn Lương vào ban kiểm soát theo sự đề cử của Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn, cổ đông lớn đang nắm giữ 18,8% vốn điều lệ đề cử.