Nóng chuyện phát hành tăng vốn
HĐQT trình cổ đông phương án phát hành 964,255 cp ESOP và 5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu cùng với giá 12,000 đồng/cp.
Tại Đại hội, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có ý kiến nên phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp thấp hơn mức giá phát hành cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo quyền lợi. Đồng thời không nên hạn chế quyền chuyển nhượng đối với cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu.
ĐHĐCĐ thường niên 2015 của CTCP Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) diễn ra sáng ngày 10/04/2015 |
Một ý kiến khác là không nên tăng vốn bởi sẽ tạo áp lực cho Ban điều hành cũng như mức tăng trưởng của lợi nhuận không tương xứng với tăng vốn làm giảm EPS của công ty.
Tuy nhiên, với 78% cổ đông chấp thuận thì phương án phát hành 964,255 cp cho cán bộ công nhân viên, dự kiến thực hiện trong quý 2 – 3/2015 và phát hành hơn 5 triệu cp, tỷ lệ 4:1 cho cổ đông hiện hữu, sẽ thực hiện trong quý 3 – 4/2015 đã được thông qua. Sau phát hành vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên 252 tỷ đồng.
Về mức giá phát hành, các cổ đông thông qua mức giá 10,000 đồng/cp thay cho mức giá 12,000 đồng/cp theo tờ trình của HĐQT. Giá phát hành cho cán bộ công nhân viên vẫn được giữ nguyên 12,000 đồng/cp, ông Linh cho rằng mức giá này sẽ khuyến khích đội ngũ nhân sự hoạt động tích cực hơn, phục vụ vì sự phát triển của OPC.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không tương xứng với mức tăng vốn
Năm 2015, OPC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 615 tỷ đồng, lãi trước thuế 88 tỷ đồng và cổ tức 20%; tương đương với thực hiện năm 2014.
Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, mức tăng trưởng của OPC dường như đã bão hòa, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng không nhiều. Đơn cử như năm 2014, OPC chỉ cơ bản hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với tổng doanh thu 613 tỷ đồng và lãi trước thuế 86 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 8.6% và 3% so với năm trước. Cổ tức 20% tiền mặt, giảm 5% so với năm 2013.
Một số cổ đông cho rằng kế hoạch kinh doanh không có nhiều đột phá, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không tương xứng với mức tăng vốn điều lệ. Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám đốc chia sẻ dù đặt thấp nhưng việc thực hiện được sẽ vô cùng khó khăn. Việc thành lập cộng đồng chung Asean vào cuối năm 2015 và lộ trình cam kết thực hiện WTO với ngành dược tạo sức ép cho các công ty nội địa phải cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, trong khoảng 4 năm nay nhiều đơn vị trong Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) có mức tăng trưởng đều gần như đã bão hòa, bản thân OPC cũng có những khó khăn nhất định do vậy con số kế hoạch Ban lãnh đạo đã tính toán rất kỹ lưỡng.
Đồng thời, trong năm 2015 OPC cũng chưa có kế hoạch đầu tư nào lớn để tạo sự đột phá trong tương lai mà chỉ tập trung mở rộng kênh phân phối. Ông Linh cho biết sẽ tập trung để mở rộng thị phần, phát triển hệ thống phân phối cơ sở vật chất cho các chi nhánh tại Hà Nội, đặc biệt phát triển thị trường ETC và OTC vùng sâu, xa xôi hẻo lánh, miền núi, đồng bào dân tộc…
Bên cạnh đó, OPC cũng tiếp tục hoàn thiện dự án CTCP Dược phẩm Dược liệu OPC Bắc Giang (triển khai từ 2012), trong đó có phạm vi nuôi trồng và thu hái dược liệu theo xu hướng đạt tiêu chuẩn GACP. Ông Linh cho biết mặc dù OPC chỉ liên kết trong dự án này nhưng OPC sẽ bao tiêu sản phẩm cho OPC Bắc Giang, khi dự án hoàn thiện công ty hưởng lợi rất nhiều từ nguồn nguyên dược liệu ổn định. Nhà máy OPC Bắc Giang đang trồng dược liệu Kim tiền thảo, Ích mẫu và các loại cây trị ho cung cấp nguyên dược liệu cho 3 dòng sản phẩm Kim tiền thảo, Ích mẫu và viên Vitamin C – Glocose & dòng sản phẩm thuốc phiến của OPC.
Đối với đầu tư nâng chuẩn nhà máy để tiến vào các thị trường nước ngoài tiềm năng hơn, ông Linh cho biết OPC là đơn vị sản xuất thuốc dược liệu, hiện GMP WHO chưa quy định rõ ràng nên công ty sẽ không đầu tư để nâng cấp bởi chi phí cao mà không đem lại hiệu quả.
Ban lãnh đạo chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2015, ước doanh thu 150 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế 20.2 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014.
2014 đã tung ra nhiều sản phẩm mới
Nhìn lại năm 2014, OPC đã đầu tư mua một lô đất tại 297 Nguyễn Thị Thập, Tp. Mỹ Tho để xây dựng chi nhánh tại Tiền Giang với tổng vốn 9.9 tỷ đồng (gồm quyền sử dụng đất, xây dựng mới và trang bị hệ thống kho). Đây là chi nhánh tốt nhất, diện tích vừa đủ và đạt chuẩn của OPC. Bên cạnh đó, tại Cần Thơ, công ty cũng đã mua thêm nhà để cải tạo, mở rộng kho và văn phòng với tổng giá trị 3.2 tỷ đồng, tháng 5/2014 đã bố trí hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. Ngoài ra, công ty đã tiến hành nghiên cứu chương trình khảo sát OCMS (OPC check the marketing and sales) tìm hiểu thị trường Kim tiền thảo và các chiến lược để tiếp tục giữ thị phần của sản phẩm chủ lực này.
Cũng trong năm qua, OPC đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm mới như viên Diệp hạ châu Pylantin, viên sụn khớp Frescap, thuốc mỡ Trancumin OPC, viên Vitamin C – Glocose & dòng sản phẩm thuốc phiến.
Tính đến cuối năm, OPC được Bộ Y tế cấp phép sản xuất và lưu hành trên toàn quốc 118 sản phẩm; được cấp tổng cộng 23 số đăng ký sản phẩm xuất khẩu nước ngoài vào các quốc giá như Lào, Nigeria, Moldova, Myanmar, Ukraina; được Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam cấp 225 văn bằng độc quyền và logo OPC được bảo hộ độc quyền tại 25 quốc gia trên thế giới.