ĐHĐCĐ lần thứ nhất Cảng Sài Gòn: 3 ngân hàng lớn tham gia vào ban lãnh đạo

ĐHĐCĐ lần thứ nhất Cảng Sài Gòn: 3 ngân hàng lớn tham gia vào ban lãnh đạo

Sáng ngày 28/09, CTCP Cảng Sài Gòn (CangSaiGon) chính thức được thành lập sau khi ĐHĐCĐ lần thứ nhất diễn ra với sự ra mắt của 9 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS nhiệm kỳ 2015-2020.

Cơ cấu cổ đông của Cảng Sài Gòn tính đến ngày 28/08/2015

Cụ thể, với việc trở thành nhà đầu tư chiến lược, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) và Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã cử đại diện tham gia vào HĐQT và BKS của Cảng Sài Gòn. Ngoài ra, đại diện Ngân Hàng Đông Nam Á (SeABank) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng có các cá nhân tham gia vào ban lãnh đạo của Cảng Sài Gòn.

HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 9 thành viên:

  1. Huỳnh Văn Cường – Chủ tịch HĐQT
  2. Võ Hoàng Giang
  3. Nguyễn Ngọc Tới
  4. Hồ Lương Quân
  5. Nguyễn Văn Phương
  6. Nguyễn Quý Hà
  7. Phạm Anh Tuấn
  8. Bùi Như Ý (Phó TGĐ CTG)
  9. Lê Thu Thủy (Phó Chủ tịch HĐQT SeABank)

BKS nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 3 thành viên:

  1. Trần Thị Hương
  2. Đỗ Tuấn Nam
  3. Dương Thị Thu Thủy (Phó TGĐ VPBank)

Các thành viên trong HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2015-2020 của Cảng Sài Gòn

Ông Huỳnh Văn Cường – Tân Chủ tịch Cảng Sài Gòn (thứ 5 từ phải qua), bà Trần Thị Hương ­– Trưởng BKS (thứ tư từ trái qua)

Di dời Cảng Nhà Rồng Khánh Hội để xây đô thị

Tại đại hội, Cảng Sài Gòn đề ra định hướng phát triển tiếp tục duy trì khai thác các cảng đã hoạt động hết công suất và nhanh chóng hoàn thiện xây dựng cảng mới. Trong đó, đối với các cảng đang khai thác gồm Cảng Nhà Rồng Khánh Hội, từ giữa năm 2016 sẽ được giảm dần quy mô và chuẩn bị cho việc di dời, thay thế cho 90% lượng hàng hóa của cảng này. Cùng với đó, Cảng Sài Gòn sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Hiệp Phước và hoàn thiện tuyến đường D3 kết nối Hiệp Phước với các cảng khác.

Sau khi thực hiện di dời, công năng khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội sẽ được đầu tư thành trung tâm thương mại, ga hành khách, căn hộ ven sông… Để thực hiện dự án, Cảng Sài Gòn hợp tác cùng với Tập đoàn Vingroup (VIC) thành lập Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ). Quy mô chuyển đổi là hơn 32 ha, chiều sài sông 1.8 km, dân số ước 11,650 người và 3,000 căn hộ. Tổng mức đầu tư vào khoảng 11,000 tỷ đồng, dự án kỳ vọng sẽ bán sản phẩm từ năm 2018 và mang lại cổ tức cho cổ đông trên 10%/năm.

Bên cạnh đó, Cảng Tân Thuận 2 đang khai thác sẽ chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và công năng sử dụng để gia tăng công suất. Đối với các cảng nước sâu có vốn góp của Cảng Sài Gòn thuộc khu vực Cái Mép – Thị Vải, Cảng Sài Gòn và Vinalines sẽ tiến hành tái cơ cấu vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm áp lực tài chính và để có thêm nguồn vốn đầu tư cho Cảng Sài Gòn.

Chia sẻ tại Đại hội, đại diện Vinalines nhận định, một doanh nghiệp không có khách hàng thì kinh doanh sẽ trở nên vô nghĩa. Do đó, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cảng Sài Gòn là tạo ra đột phát thị trường, duy trì và mở rộng khách hàng. Việc di dời đến cảng Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế cảng nước sâu.

Trong năm 2015, Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch sản lượng hàng hóa 9.9 triệu tấn, doanh thu 992.5 tỷ, lãi sau thuế 64.2 tỷ đồng và không chia cổ tức. Riêng 9 tháng đầu năm, Cảng Sài Gòn đã khai thác được 7.6 triệu tấn hàng hóa, 700.7 tỷ đồng doanh thu và 47.5 tỷ đồng lãi sau thuế, đạt 74% kế hoạch lãi cả năm.

Lãnh đạo Cảng Sài Gòn cho hay, thủ tục đăng ký cổ phiếu để lưu ký tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đang được tiến hành và sẽ được hoàn tất trong năm nay. Sau đó công ty sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM.

Về việc thoái bớt phần vốn của Nhà nước, trao đổi với người viết, một đại diện pháp chế của Cảng Sài Gòn cho biết, với sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân bên ngoài, trong thời gian tới Vinalines sẽ thực hiện thoái bớt phần vốn của Cảng Sài Gòn, tuy nhiên thời gian cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.