ĐHĐCĐ JVC: Cổ đông lớn vắng mặt, tỷ lệ tham dự chỉ đạt 14,85%

ĐHĐCĐ JVC: Cổ đông lớn vắng mặt, tỷ lệ tham dự chỉ đạt 14,85%

(NDH) Trong khi các lần ĐHĐCĐ trước đó, tỷ lệ tham dự ĐHĐCĐ đều trên 40% thì tỷ lệ tham dự lần 3 chỉ xấp xỉ 15%. Nhóm cổ đông Nhật Bản gồm DIAF và Dream Incubator Inc là những cố đông lớn nắm giữ 30% JVC.

Sáng ngày 19/11/2015, CTCP Y tế Việt Nhật (mã JVC- HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 3. Ở lần tổ chức ĐHĐCĐ trước đó, số cổ phần JVC tham dự Đại hội lần lượt đạt 48,72% và 47,3%. Đại hội lần ba sẽ được tiến hành dù với bất kỳ tỷ lệ tham dự nào của cổ đông. Do niên độ tài chính 2014 kéo dài từ 1/1/2014 đến 31/3/2015 cùng với việc JVC xin gia hạn thời gian tổ chức thêm 2 tháng nên ĐHĐCĐ thường niên của JVC được tổ chức khá muộn so với các doanh nghiệp khác.

Xem thêm:

[ĐHCĐ JVC lần 1] Dùng vốn mới phát hành để trả nợ do VietinBank cưỡng chế cắt nợ

JVC: ĐHĐCĐ lần 2 bất thành, thời gian mua cổ phiếu quỹ phụ thuộc UBCKNN


Trước thềm ĐHĐCĐ, JVC đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II NĐTC 2014-2014. Mặc dù, doanh thu tăng 38% so với quý I trước đó nhưng lợi nhuận quý này chỉ đạt 1,8 tỷ đồng.

>> JVC (mẹ) : Lợi nhuận quý II vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng

Đến 9h15 phút, ĐHCĐ có sự tham dự của 53 cổ đông đại diện 16,7 triệu cổ phần, tương đương 14,86% cổ phần có quyền biểu quyết. ĐHĐCĐ lần này không có sự tham gia của các cổ đông lớn.

Được biết, nhóm cổ đông Nhật Bản gồm DIAF và Dream Incubator Inc là những cố đông lớn nắm giữ 30% JVC. Đại diện của nhóm cổ đông này đã không còn tham gia vào HĐQT của JVC từ ngày 18/9/2015.

9h38: Bà Hồ Thị Bích Ngọc, Kế toán Trưởng của JVC thay mặt HĐQT báo cáo kết quả kinh doanh 2014 và kế hoạch năm 2015.

Tình hình kinh doanh của JVC đã có nhiều biến động từ khi nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng khởi tố vì hành vi lừa dối khách hàng.

Theo báo cáo của Kế toán trưởng Hồ Thị Bích Ngọc, kết quả kinh doanh năm 2014 tăng trưởng khá cao với doanh thu tăng 88%. Lợi nhuận năm 2014 cao gấp 5,27 lần năm 2013 với nguồn thu chủ yếu từ bán thiết bị.

Biến cố của nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng đã khiến kế hoạch kinh doanh năm 2015 đặt ra rất thận trọng.Theo đó, doanh thu bán hàng sụt giảm và các dự án chuẩn bị triển khai bị hủy hoặc trì hoãn, chi phí bán hàng tăng so với năm trước.

Cụ thể, JVC đề ra kế hoạch 501 tỷ đồng doanh thu và 17,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt hơn 55% và 92% cùng kỳ. JVC tự tin sau quá trình chuyển đổi sẽ có được kết quả kinh doanh khả quan trong các năm tiếp theo.

Một tờ trình quan trọng gửi tới các cổ đông tại Đại hội, JVC đề xuất thay đổi phương án sử dụng 750 tỷ đồng vốn huy động từ đợt phát hành trước với việc dành ra 235 tỷ đồng để trả nợ. Công ty sẽ không rót tiền đầu tư vào tổng thầu vật tư tiêu hao như kế hoạch trước đó.

Giải trình về thay đổi trên, JVC cho biết do sự cố của ông Hướng nên công ty cần tập trung nguồn vốn cho các dự án do JVC làm chủ, đồng thời sử dụng một phần nguồn vốn cho hoạt động tài chính ngắn hạn nên tạm thời chưa đầu tư vào dự án Tổng thầu.

10h55: Đại hội thảo luận

Sau sự cố của nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng bị khởi tố, JVC có mất khách hàng hay có khả năng này xảy ra trong tương lai không?

Đại diện JVC: Đến thời điểm hiện tại chưa có các nhà cung cấp (đa phần đến từ Nhật Bản) quay lưng lại với JVC. Thời gian tới chưa có thông tin rằng nhà cung cấp sẽ ngừng hợp đồng với JVC.

Khi nào JVC mua cổ phiếu quỹ?

Đại diện JVC: Như đã chia sẻ trước đó tại ĐHĐCĐ lần 2, JVC hiện đang chờ công văn chấp thuận của UBCK. Dự kiến sẽ mua cổ phiếu quỹ cuối tháng 11, đầu tháng 12.

Công ty quyết định mua cổ phiếu quỹ sẽ lấy nguồn tiền từ đâu?

Đại diện JVC: Giá cổ phiếu của JVC thời điểm này không phản ánh được giá trị của công ty. Tới quý này, một số dự án đã triển khai xong. Ngoài ra, JVC nhận nguồn tiền ổn định từ kinh doanh vật tư tiêu hao, công ty liên kết.. Dòng tiền không còn là vấn đề quá khó khăn của JVC. Với số lượng cổ phiếu dự kiến mua, JVC ước tính chi khoảng 30 tỷ và có thể đáp ứng được.