Tại đại hội, đại diện Ban chủ toạ, ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Giám đốc công ty cho biết GMD vẫn sẽ thực hiện chủ trương của Tập đoàn là tiếp tục đầu tư các dự án như trồng cao su tại Campuchia, tiếp tục hoàn thiện các dự án bất động sản,... Tuy nhiên nếu có đối tác nào muốn mua lại các dự án này và mức lãi thu được đủ hấp dẫn thì GMD sẵn sàng bán. Theo đó, HĐQT và Ban lãnh đạo công ty xin các cổ đông ủy quyền cho thực hiện việc thoái vốn này.
12h00: Hầu hết các cổ đông tham dự đại hội đã thông qua các tờ trình được HĐQT đưa ra, chỉ có 1 cổ đông với tỷ lệ 0.02% phủ quyết hay có ý kiến khác hầu như tất cả các tờ trình và báo cáo đưa ra.
11h45: Đại diện Ban Chủ tọa đọc tờ trình về phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2:1 để tăng vốn.
Theo đó GMD sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn với tỷ lệ 2:1. Ngoài ra, Công ty sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 20% từ lợi nhuận chưa phân phối.
10h50: Đại hội thảo luận
Bất động sản vẫn đầu tư nhưng nếu có lãi thì sẽ chuyển nhượng
Lãi năm 2014 tăng mạnh 240% so với năm 2013 nhưng kế hoạch năm 2015 lại giảm mạnh so với thực hiện năm 2014, công ty có thể cho biết lý do?
Trong cơ cấu lợi nhuận năm 2014 có hơn 500 tỷ đồng từ chuyển nhượng Cao ốc Gemadept.
Trong năm 2015, dự kiến doanh thu sản xuất kinh doanh chính của GMD đạt 477 tỷ đồng. Cũng trong năm này, công ty dự kiến chi 40 tỷ đồng chi phí lợi thế thương mại, chi phí lãi vay ngân hàng gần 55 tỷ đồng, 25 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá, 45 tỷ đồng chi phí quản lý không được vốn hóa (cây giống cho chủ rừng Campuchia). Sau khi trừ các chi phí, lãi của GMD dự kiến còn khoảng 330 tỷ đồng.
Khi nào hoàn tất thoái vốn tại dự án Cao su?
Hiện đang có một số khách hàng xem dự án này, tuy nhiên mức giá đưa ra không khả quan nên GMD chưa tiến hành bán.
Kinh doanh bất động sản đang tốt, tại sao Công ty lại quyết định thoái vốn? Với phương án thoái vốn ngoài cốt lõi thì các dự án hiện đang có xử lý như thế nào?
Mảng bất động sản năm 2014 được định giá là mảng chiến lược, GMD vẫn tiếp tục triển khai đầu tư trong năm 2015 nhưng nếu có đối tác hỏi mua và lợi nhuận mang lại cao hơn thì vẫn sẽ cân nhắc bán để tập trung đầu tư mảng kinh doanh cốt lõi. Các dự án bất động sản đang trong quá trình hoàn tất thủ tục xây dựng và nếu có đối tác trả giá cao hơn cũng sẽ bán luôn.
Dự án trồng rừng đang diễn ra khả quan nhưng đây là lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi nên Công ty vẫn đề ra kế hoạch thoái vốn.
Chi phí giá dầu chiếm tỷ trọng như thế nào đến GMD, việc tăng/giảm giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Công ty?
Chi phí nhiên liệu giảm là tin tốt cho nền kinh tế chung, với GMD do có chuỗi liên hoàn cảng và logistics nên được hưởng lợi nhiều hơn.
Về chi phí, chi phí nhiên liệu cho mảng vận tải biển cao nhất từ 30-35%, chi phí cho mảng cảng biển chỉ dưới 3%. Hiện GMD có ký hợp đồng về nhiên liệu, trong đó có cơ chế khi biến động giá nhiên liệu nên nếu giá nhiên liệu có gia tăng cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Kế hoạch chuyển đổi trái phiếu phát hành như thế nào?
Do đối tác chưa muốn chuyển đổi trái phiếu nên dự kiến sớm nhất là năm 2016 mới chuyển đổi.
Công ty có sử dụng đòn bẩy tài chính không? Và tỷ lệ bao nhiêu?
Công ty có sử dụng và xem xét tỷ lệ trong từng giai đoạn, từng dự án cụ thể. Tổng mức tỷ lệ vay/tài sản của GMD là 30%.
GMD có kế hoạch niêm yết các công ty con hoạt động hiệu quả trong các năm tới không? Và kế hoạch như thế nào?
GMD đã có kế hoạch niêm yết Cảng Hàng không SCSC, GMD sẽ cổ phần hóa Cảng Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ. Tuy nhiên kế hoạch cụ thể phải chờ thời gian thích hợp.
Một số công ty khác ngoài mảng cảng biển như ở mảng logistics đang được các đối tác nước ngoài hỏi mua với giá rất hấp dẫn. Tuy nhiên GMD không có nhu cầu bán nguyên công ty mà chỉ đưa kế hoạch cổ phần sau đó bán với tỷ lệ nắm giữ 49% cho nước ngoài.
Cân nhắc mua cảng biển Nhà nước thoái vốn
Thông tin báo chí thì Nhà nước sẽ thoái vốn tại một số cảng biển quan trọng, vậy GMD có mua không?
Nếu nhận thấy có thể mua và hoạt động sẽ đem lại lợi nhuận thì GMD sẽ mua, Công ty sẽ cân nhắc theo từng cảng.
Công ty có tham gia đấu thầu Cảng Hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất không?
Nếu tham gia cả hai cảng này thì quá lớn, bao gồm cả vận chuyển hành khách nên không phù hợp với GMD. Công ty sẽ không tham gia mảng này.
Tham gia đầu tư đường sắt, cảng sông, xuyên biên giới khi nào bắt đầu?
GMD không đầu tư vào mảng đường sắt nhưng sẽ tham gia vào dịch vụ đường sắt. Hiện Công ty đã tham gia vào vận chuyển đường hàng không, đường biển, vì vậy tham gia thêm mảng trên sẽ giúp đa dạng hóa dịch vụ.
Còn mảng xuyên biên giới GMD chưa làm nhiều, và trong tương lai sẽ tham gia. Công ty sẽ dựa trên nhu cầu khách hàng để tham gia hợp lý hơn.
Kế hoạch đầu tư logistics 3 miền như thế nào?
Đầu tư bao gồm 400 tỷ phía bắc, miền trung với giai đoạn 1 là 300 tỷ đồng.
Tại sao GMD chưa đầu tư mạnh logistics ra phía bắc?
Mảng cảng biển đang phát triển mạnh tại phía bắc, ngoài ra cũng còn một số mảng khác phát triển mạnh ở khu vực này. Việc GMD chưa đầu tư mạnh logistics ở khu vực này là do nguyên tắc không đầu tư dàn trải tức thì. Sau khi đầu tư cho miền bắc, Công ty sẽ tập trung mạnh cho miền trung.
Tiền thuê đất lập kho logistics như thế nào?
GMD sẽ đầu tư tại các khu vực trọng điểm và thuê đất các khu công nghiệp trong 50 năm.
9h50: Đại diện GMD trình bày việc công ty đã triển khai các lĩnh vực cốt lõi như thế nào?
Các mảng hoạt động như khai thác cảng và logistics đều gia tăng trong các năm gần đây. GMD cũng đã đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho hai mảng này như hệ thống đường, cơ sở hạ tầng,…
Trong các năm tới, đại diện GMD nhìn nhận làn sóng chuyển dịch nhà máy sẽ đổ về Việt Nam, các thương vụ M&A cũng nhiều hơn, hoạt động thương mại sẽ gia tăng thông qua các Hiệp định thương mại. Trên cơ sở đó, GMD đã đưa vào hoạt động liên tiếp hai cảng là Dung Quất và Nam Hải và gần đây nhất đưa vào khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ.
Song song với đầu tư cảng, GMD cũng nghiêm cứu khả năng M&A với các cảng khác tại các khu vực trọng điểm.
9h15: Ông Đỗ Văn Minh – Tổng Giám đốc GMD trình bày báo cáo kết quả năm 2014 và kế hoạch kinh doanh năm 2015.
Về mảng cảng biển, ông Minh cho biết trong năm 2014, Cảng Nam Hải bước sang năm hoạt động thứ 6 và đưa tổng sản lượng thông qua cầu tàu lên gần 1.4 triệu TEU với gần 2,000 chuyến tàu xếp dỡ.
Một trong số những điểm sáng của năm 2014 là việc Gemadept chính thức đưa vào khai thác Cảng container Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng với năng lực đón tàu trọng tải 30,000 DWT, công suất thông qua là 500,000 TEU/năm. Năm 2014, Nam Hải Đình Vũ vượt hơn 40% chỉ tiêu đề ra.
Cảng Dung Quất có sản lượng hàng hóa đạt 1,440,000 tấn trong năm 2014. Tập đoàn đã đầu tư nâng cấp cầu cảng từ 30,000 DWT lên đến 70,000 DWT. Bước sang năm 2015, Cảng Dung Quất đặt mục tiêu sản lượng khoảng 1,540,000 tấn hàng.
Cảng Phước Long đạt hơn 442,000 TEU sản lượng hàng hóa, tăng 9% so với năm 2013. Chỉ tiêu về lợi nhuận của Cảng Phước Long tăng 35% so với năm trước.
Cảng nước sâu Gemalink Cái Mép được giãn tiến độ thi công từ tháng 01/2012. Tính đến cuối năm 2014, tổng tiến độ dự án giai đoạn 1 thực hiện đạt hơn 39%.
Cảng Hàng hóa Hàng không Tân Sơn Nhất SCSC trong năm 2014 đạt 71,308 tấn hàng hóa, tăng 115% so với sản lượng năm 2013.
Về mảng đại lý tàu biển, kết quả năm 2014 sản lượng đạt 667 chuyến tàu, đạt tương ứng 100% kế hoạch. Liên doanh ISS-Gemadept cũng đạt 230 chuyến tàu được cung cấp dịch vụ đại lý và các dịch vụ liên quan cho các tàu hàng rời, tàu khách, tàu sắt thép và tàu dầu thô.
Còn bất động sản là mảng đầu tư chọn lọc của Gemadept, trong đó bao gồm 3 công trình, dự án: (1) Công trình Cao ốc văn phòng Số 6 Lê Thánh Tôn – Quận 1 – Tp.HCM, (2) Dự án Khu phức hợp Saigon Gem, (3) Dự án Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại tại Viêng-chăn, Lào (đang làm thủ tục pháp lý và sẽ tiến hành khởi công, thời gian xây dựng dự kiến 2 năm). Năm 2014, GMD đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 85% vốn góp của Cao ốc Gemadept. Nếu chuyển nhượng thêm 15% còn lại sẽ nhận được 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đối với dự án trồng cây cao su tại Campuchia, trong năm qua, GMD đã tiến hành trồng thêm hơn 2,000 ha theo tiến độ.
ĐHĐCĐ GMD diễn ra sáng 26/05 tại TPHCM |
9h00: Đại hội bắt đầu với 158 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 97 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 83.56% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
HĐQT sẽ trình cổ đông việc thoái vốn các lĩnh vực đầu tư không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD như dự án đầu tư trồng cây cao su, cây công nghiệp và các dự án bất động sản…
Trong năm 2014, GMD thu về gần 3,017 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với năm 2013 và vượt 14% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 701 tỷ đồng, tăng 240% so với năm 2013 và vượt 17% kế hoạch.