Cụ thể, năm 2015, GMC đặt mục tiêu doanh thu 1,500 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và lãi trước thuế 75 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%; cổ tức tiền mặt khoảng 20-30% (năm 2014 là 30%). Lý giải nguyên nhân đặt mục tiêu thấp, HĐQT mong cổ đông chia sẻ bởi những khó khăn sắp tới.
Thứ nhất là kinh tế Nhật và Châu Âu tiếp tục suy thoái làm giảm các đơn hàng, giá giảm kể cả giá trị NPL và giá gia công, sản lượng đơn hàng giảm mạnh vào mùa thấp điểm (mùa xuân hè) khoảng 15-30%.
Thứ hai, các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh đón đầu Hiệp định dẫn đến cạnh tranh lao động quyết liệt. Bên cạnh đó, việc tuân thủ trách nhiệm xã hội nghiêm ngặt hơn (giảm thời gian tăng ca, lương tăng) khiến chi phí nhân công đội lên cao.
Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc, chia sẻ trước Đại hội, để thực hiện được kế hoạch kinh doanh 2015 đã là một sự cố gắng lớn của Ban điều hành. Trong quý 1/2015, GMC ghi nhận doanh thu 293 tỷ đồng, tăng trưởng 5% và lãi trước thuế 18.8 tỷ đồng (đã trừ kết quả từ Sài Gòn Xanh).
Sẽ mua lại 1 thương hiệu Mỹ để triển khai chuỗi "thiết kế, sản xuất, phân phối"
Nhận định thị trường Mỹ phục hồi vào năm 2015 trong khi Châu Âu và Nhật suy thoái, GMC cơ cấu lại thị trường xuất khẩu với 45-60% năng lực sản xuất cho thị trường Mỹ, 30-40% Châu Âu và các thị trường khác là 10-20%.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT, chia sẻ, hiện GMC đang đàm phán mua lại một thương hiệu Mỹ để triển khai chuỗi "thiết kế, sản xuất, phân phối" tại thị trường này cùng với Blue SG.LLC và GMC sẽ là đơn vị sản xuất.
Blue SG.LLC là chi nhánh của công ty TNHH Sài Gòn Xanh, trong năm 2014 đã ổn định và có khách hàng, đem lại lợi nhuận 644 triệu đồng. Ông Hùng nhận định Blue SG.LLC đủ khả năng để trực tiếp phát triển tại thị trường Mỹ, đón đầu cơ hội Hiệp định TPP, giúp giảm thiểu rủi ro mùa vụ khi gia tăng năng lực sản xuất lên 94 chuyền may vào năm 2018.
Hiện GMC chỉ nắm 51% tại Sài Gòn Xanh và đang xúc tiến để mua lại 100% vốn. Trong năm 2014, Sài Gòn Xanh tiếp tục bị lỗ thêm 7.3 tỷ đồng do doanh thu không đủ bù đắp chi phí nhân công, lỗ lũy kế cho khoản đầu tư tại đây của GMC tính đến cuối năm 2014 là 11.8 tỷ đồng, ứng với 51% vốn. Lỗ là do hoạt động của chi nhánh Hà Lam, tuy nhiên ông Hùng cho biết chi nhánh này sẽ hoàn vốn trong năm 2015.
Cụ thể, từ quý 4/2014, Sài Gòn Xanh đã có khách hàng đến từ Columbia đồng ý 3/7 tổ sản xuất thử các đơn hàng nỉ, đạt năng suất bình quân lớn hơn 11$/công và vượt 12$ trong những tháng đầu năm. Ông Hùng giả định cả 7 tổ đều sản xuất hàng Columbia sẽ đạt mức năng suất bình quân 10$/công thì tỷ lệ lương/doanh thu chỉ còn 52.2%, theo đó chi nhánh Hà Lam sẽ hoàn vốn trong năm 2015.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch hoạch định nguồn lực, GMC dự kiến mở rộng theo thêm 34 dây chuyền sản xuất trong giai đoạn 2015-2018 với tổng giá trị đầu tư thiết bị gần 3 triệu USD. Qua đó, ước tính đến 2018 sẽ có 94 dây chuyền may cho toàn công ty tạo ra doanh thu hơn 2,500 tỷ đồng kết hợp với doanh thu dịch vụ thương mại thì có khả năng đạt mốc tổng doanh thu 3,000 tỷ đồng.
Ngoài ra, HĐQT có đưa ra phương án hợp tác đầu tư khu đất 213 Hồng Bàng với Trường Đại học Y dược thành lập CTCP Doanh nghiệp Bệnh viện Đại học Y dược. Tuy nhiên, HĐQT chưa thể đưa ra chi tiết phương án bởi chưa thẩm định xong giá trị quyền sử dụng đất và phương án kinh doanh chưa hoàn tất. Tại Đại hội, ông Hùng cho biết về phương án vốn để đầu tư dự án có thể là vay ngân hàng với thời hạn 10 năm hoặc là phát hành trái phiếu dự án.
Cuối cùng, HĐQT cũng trình thù lao HĐQT, BKS là 2% lợi nhuận sau thuế; mức khen thưởng cho HĐQT, BKS và cán bộ chủ chốt điều hành hoàn thành kế hoạch là 4% lợi nhuận sau thuế, nếu vượt chỉ tiêu thì thưởng thêm 10% phần vượt sau thuế.
Năm 2014, với 60.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, công ty sử dụng 34.9 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 30%; thù lao HĐQT và BKS 1.2 tỷ đồng; khen thưởng HĐQT, BKS và cán bộ chủ chốt điều hành 2.8 tỷ đồng.
Kết thúc Đại hội, cổ đông bỏ phiếu thông qua tất các tờ trình.