[ĐHCĐ VFMVF4]

[ĐHCĐ VFMVF4] "Chúng tôi đã phán đoán sai cổ phiếu GAS"

(NDH) Nếu việc thanh lý FPT mang về 47% lợi nhuận cho quỹ trong cả năm 2014 và bán cổ phiếu PVS đúng thời điểm thì việc đầu tư cổ phiếu GAS của VFMVF4 đã bị tính toán sai. Đã có thời điểm tỷ trọng GAS chiếm tới 10% danh mục của quỹ trong năm 2014.

Chiều nay, đại hội cổ đông quỹ Đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) đang diễn ra tại khách sạn Sài Gòn, TP.HCM.

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc quỹ VFMVF4 trình bày về kết quả hoạt động năm 2014 và kế hoạch 2015.

Năm 2014 VF4 đạt hơn 67 tỷ đồng lợi nhuận, NAV tăng 6,1% đạt 8.976,7 đồng/ccq.

Định hướng của VF4 năm ngoái khá lạc quan và cho rằng có nhiều cơ hội cho thị trường cổ phiếu, và tỷ lệ cổ phiếu vượt trội trong danh mục, cổ phiếu tập trung vào các cổ phiếu đứng đầu thị trường về vốn hoá, tiềm năng tăng trưởng, đúng theo định hướng của quỹ là "đầu tư doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam".

Đến cuối năm 2014 NAV của VF4 tăng 6,1% so với thị trường 8,1%. Theo bà Hạnh có 2 đợt biến động ảnh hưởng nhiều đến TTCK là sự kiện biển Đông và giá dầu giảm 50% vào 2 tháng cuối năm, trong đó các cổ phiếu năng lượng chiếm 20-25% trong tổng vốn hoá thị trường đã tác động mạnh đến VNIndex.

VF4 đã từng đạt tăng trưởng 28% cuối quý 3 nhưng cuối cùng giá dầu đã kéo mức tăng của VF4 chỉ còn 6,1%.

Tỷ trọng tiền mặt của quỹ đầu năm khoảng 15%, nhận định thị trường cổ phiếu có cơ hội tốt VF4 đã giải ngân hết trong 2 tháng đầu năm nhưng đến tháng 4 hiện thực hoá lợi nhuận, có 2 cổ phiếu lớn VF4 bán mạnh là VNM và FPT, phần lợi nhuận thu về từ FPT chiếm tới 47% lợi nhuận của quỹ trong năm.

Song song đó VF4 đi vào hoạt động dưới dạng quỹ mở nên NĐT có thể rút vốn hoặc đầu tư thêm. Tổng size VF4 giảm từ 80 triệu chứng chỉ quỹ xuống còn hơn 40 triệu chứng chỉ quỹ vào cuối năm.

Tiền mặt trung bình cả năm khoảng 9%, tỷ trọng cổ phiếu vốn hoá lớn chiếm 70% NAV, năm 2014 VF4 đầu tư mạnh vào cổ phiếu BĐS, tỷ trọng 11%, chiếm thứ 2 trong tổng danh mục, đối với nhóm cổ phiếu năng lượng, VF4 đã bán PVS đúng lúc nhưng đối với GAS lại phán đoán sai, có lúc GAS chiếm 10% trong danh mục và biến động giá của cổ phiếu này đã ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của quỹ.

Đầu năm 2014 top 3 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất NAV là thực phẩm giải khát, thiết bị cứng và công nghệ, ngân hàng đã giảm mạnh tỷ trọng vào cuối năm, chủ yếu do Quỹ thanh lý khoản đầu tư tại EIB và thay thế một phần bằng VCB. VF4 đã đa dạng hoá rất nhiều trong năm 2014 vừa qua. Số lượng cổ phiếu đầu năm là 17 cổ phiếu thì cuối năm tăng lên 26 cổ phiếu, phân bổ vào 12 ngành cơ bản.

Do vẫn còn lỗ luỹ kế nên năm 2014 VF4 không chia cổ tức.

Năm 2015 VF4 tiếp tục điều chỉnh tỷ trọng danh mục theo hướng tăng tỷ trọng cổ phiếu trong ngành vật liệu, bất động sản, tiện ích công cộng, vận tải, dịch vụ y tế, ngân hàng, các ngành được hưởng lợi tỷ giá, giảm giá hàng hoá nguyên liệu đầu vào, các DN đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang lấy lại đà tăng trưởng, giảm tỷ trọng tại các ngành hàng hoá công nghiệp, dịch vụ tài chính, ô tô và tiêu dùng, năng lượng.

Luật của quỹ chỉ cho phép đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hoặc có kế hoạch niêm yết trong 12 tháng, sau khi có Quyết định 51 của Chính phủ yêu cầu phải đăng ký giao dịch trên UpCOM mở ra cơ hội cho VF4 đầu tư vào nhiều hàng hoá chất lượng hơn.

Theo bà Hạnh, mặc dù 2015 sẽ là năm biến động nhưng VF4 tin rằng sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu sẽ là điểm sáng giúp thịt rường vượt qua ảnh hưởng từ thị trường thế giới và năm 2015 VF4 kỳ vọng sẽ tìm được các cơ hội đầu tư trong biến động đó.

VF4 đề xuất chỉnh sửa lại điều lệ quỹ từ việc giao dịch 1 tuần/lần sang giao dịch hàng ngày, thời điểm áp dụng sẽ được VF4 thông báo với nhà đầu tư.
Ban đại diện cũng đề xuất giảm thù lao.