[ĐHCĐ JVC] Dùng vốn mới phát hành để trả nợ do VietinBank cưỡng chế cắt nợ

[ĐHCĐ JVC] Dùng vốn mới phát hành để trả nợ do VietinBank cưỡng chế cắt nợ

(NDH) Vietinbank yêu cầu cắt toàn bộ dư nợ ngắn và dài hạn của JVC và sử dụng tiền gửi của JVC để cắt nợ dù ban lãnh đạo đã tích cực đàm phán.

Trước thềm Đại hội

Sáng ngày 30/09/2015, CTCP Y tế Việt Nhật (mã JVC- HoSE) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Do niên độ tài chính 2014 kéo dài từ 1/1/2014 đến 31/3/2015 cùng với việc JVC xin gia hạn thời gian tổ chức thêm 2 tháng nên ĐHĐCĐ thường niên của JVC được tổ chức khá muộn so với các doanh nghiệp khác. Nếu đạt đủ tỷ lệ cổ phần tham dự theo quy định, đây sẽ là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa cổ đông và lãnh đạo JVC kể từ khi Chủ tịch kiêm Giám đốc JVC, ông Lê Văn Hướng, bị khởi tố do tội lừa dối khách hàng, quy định tại điều 162 BLHS nước CHXHCN Việt Nam vào giữa tháng 6/2015.

Một điểm đáng chú ý trong tờ trình gửi tới các cổ đông tại Đại hội, JVC đề xuất thay đổi phương án sử dụng 750 tỷ đồng vốn huy động từ đợt phát hành trước với việc dành ra 235 tỷ đồng để trả nợ. Trong khi đó, công ty sẽ không rót tiền đầu tư vào tổng thầu vật tư tiêu hao như kế hoạch trước đó. Giải trình về thay đổi trên, JVC cho biết do sự cố của ông Hướng nên công ty cần tập trung nguồn vốn cho các dự án do JVC làm chủ, đồng thời sử dụng một phần nguồn vốn cho hoạt động tài chính ngắn hạn nên tạm thời chưa đầu tư vào dự án Tổng thầu.

Kế hoạch sử dụng vốn điều chỉnh

Trong 5 quý niên độ tài chính 2014, doanh thu hợp nhất hoạt động kinh doanh chính của JVC thu về 1.116,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 219,6 tỷ đồng. Biên lãi ròng ghi nhận ở mức khá ấn tượng, đạt 19,7%. Tính đến ngày 31/3/2015, tổng tài sản của JVC xấp xỉ 2.551,4 tỷ đồng. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng chiếm tới 30% tổng tài sản của JVC, trong đó tiền mặt xấp xỉ 466 tỷ đồng, tiền gửi dưới 12 tháng là 285 tỷ đồng. Ngoài ra, JVC có khoảng 347 tỷ đồng tồn kho, 502 tỷ đồng tài sản cố định gồm chủ yếu là máy móc, thiết bị. Đây là tình hình tài sản của JVC từ cách đây 6 tháng trước, khi JVC vẫn chưa xuất hiện sự kiện trọng yếu là việc ông Lê Văn Hướng bị khởi tố. BCTC quý I/2015 (từ 1/4 đến 30/6) đến nay vẫn chưa được JVC công bố dù Sở GDCK Tp.HCM đã liên tục có công văn nhắc nhở.

Sau sự kiện ông Hướng, nhân sự cấp cao của JVC đã liên tục thay đổi. Ngay sau khi ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, đại diện cho nhóm cổ đông lớn nhất tại JVC (DIAIF và CTCP Dream Incubator Việt Nam)- ông Kyohei Hosono đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT còn vị trí Giám đốc JVC được giao cho em vợ ông Hướng là ông Nguyễn Hữu Hiếu.

Tuy vậy, ông Kyohei Hosono và ông Nguyễn Hữu Hiếu không ngồi trên ghế “nóng” được bao lâu thì cả 2 đều từ nhiệm sau hơn một tháng tại nhiệm. Ông Lê Văn Giáp đã được bổ nhiệm thay thế nắm giữ cả hai chức vụ trên.
Cách đây không lâu, vào ngày 21/9, ông Kyohei Hosono, ông Tashiro Masaaki và bà Vũ Thị Thúy Hằng- những cá nhân có liên quan đến DIAIF và Dream Incubator Việt Nam tiếp tục đồng loạt xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT và Ban kiểm soát tại JVC. Đây được đánh giá là động thái khá bất ngờ bởi trước đó nhóm cổ đông Nhật Bản trong thư ngỏ gửi tới các cổ đông JVC từng có cam kết sẽ đồng hành với JVC trong dài hạn.

>> Biến động nhân sự HĐQT tại JVC: Quỹ đầu tư Nhật Bản đang rút lui?

Bổ sung cho các vị trí trống trên, ĐHĐCĐ sẽ tiến hành bầu ra 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát. Ông Ngỗ Trần Sỹ Anh (1980) được bầu vào vị trí thành viên HĐQT, ông Nguyễn Trọng Hùng (1982) bổ sung vào ban kiểm soát.

Lại bất thành

9h33: Trưởng ban Kiểm tra tư cách cổ đông thông báo đã có sự tham gia của 52,38 triệu tổng số cổ phần, chiếm 46% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Với số cổ phần có quyền biểu quyết thấp hơn 51%, tỷ lệ cổ đông và số cổ phần tham dự không đáp ứng quy định. Đại hội tổ chức bất thành.

Cổ đông đề nghị đối thoại với ban lãnh đạo

ĐHĐCĐ không thể thực hiện do tỷ lệ cổ phần tham dự không đủ điều kiện cùng với đó là sự vắng mặt bất thường của lãnh đạo cũng như các thành viên HĐQT tại Đại hội. Hàng loạt cổ đông đã đưa ra ý kiến đề nghị gặp gỡ ban lãnh đạo.

Các cổ đông cho rằng đây là dịp hiếm hoi cổ đông có thể gặp gỡ với công ty, có quyền nắm được thông tin của công ty và đòi hỏi thông tin minh bạch từ công ty.

Cổ đông JVC thắc mắc về việc website của công ty không truy cập được và đề nghị JVC cho biết danh sách cổ đông lớn không tham dự Đại hội.

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch đương nhiệm của JVC sau đó đã xuất hiện.

Đối với lý do cụ thể nguyên Chủ tịch Lê Văn Hướng bị khởi tố, ông Giáp cho biết công an chưa có kết luận, JVC đang chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Danh sách cổ đông lớn không tham dự chưa có cho các cổ đông.

Chậm trễ nộp báo cáo do thực hiện soát xét và hạn chế tài liệu

Theo giải trình của JVC, công ty đã mời kiểm toán kiểm tra tất cả các kho, tiền mặt để soát xét báo cáo tài chính quý I. Cơ quan điều tra tịch thu báo cáo kế toán của công ty cũng là lý do của sự chậm trễ trong việc phát hành báo cáo quý I niên độ tài chính 2015.

Bà Hồ Bích Ngọc, Kế toán trưởng của công ty khẳng định với các cổ đông rằng tiền mặt của công ty không bị tẩu tán. Các dự án vẫn được triển khai tiếp bình thường. Còn về các dự án, tương lai sẽ rất khó khăn, có thể chậm trễ hoặc bị cắt giảm trong 3 quý tiếp theo của năm nay. Năm 2016, khi công ty lấy lại hình ảnh, JVC sẽ tiếp tục triển khai trở lại.

Công nợ thu hồi hơn 200 tỷ đồng trong quý trước. Mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát dòng tiền nên hoạt động thu hồi công nợ được JVC đẩy mạnh. Lượng hàng tồn kho đã giảm so với cuối năm 2014. Riêng mảng vật tư tiêu hao thường có thời gian lưu kho 3 đến 4 tháng. Đối với sản phẩm này, công ty hiện đang “cháy” hàng trong khi công ty không trường vốn nên bài toán hàng tồn kho sẽ được giải quyết trong năm nay.

Cổ tức năm 2014 dự kiến 0% do khó khăn về dòng tiền

Đối với câu hỏi của cổ đông về mức cổ tức 0% cho năm 2014 mặc dù thu lợi nhuận “khủng”, bà Hồ Bích Ngọc cho biết tại thời điểm này JVC đang gặp khó khăn và đề xuất không chia cổ tức. HĐQT và BKS cũng sẽ không nhận thù lao.

Vấn đề cổ tức sẽ gác lại 3-5 tháng nữa khi các dự án cũ thu tiền về, cùng với việc dòng vốn ngân hàng tái cấp.

Một cổ đông đề xuất JVC trả cổ tức 5% để tạo niềm tin cho cổ đông. Cổ đông này cũng cho rằng kế hoạch kinh doanh đề ra “bèo bọt” bởi riêng phần vốn phát hành thêm gửi ngân hàng thu về lãi tiền gửi vào chục tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty giải đáp các thắc mắc của cổ đông

VietinBank cưỡng chế cắt nợ

Được hỏi về lý do khiến JVC thay đổi phương án sử dụng vốn để trả nợ, bà Hồ Bích Ngọc cho biết đây là do bắt buộc. Vietinbank đã yêu cầu cắt toàn bộ dư nợ ngắn và dài hạn. Mặc dù, ban lãnh đạo đã đi đàm phán nhưng Vietinbank cưỡng chế cắt nợ. Tổng dư nợ của JVC ngắn hạn (20 tỷ đồng) và dài hạn (60 tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc cắt nợ cũng sẽ giúp giảm chi phí tài chính sẽ tiết kiệm được, giảm từ 18-20 tỷ đồng so với mức 60 tỷ đồng.

Cổ đông cũng đặt câu hỏi về năng lực của ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch HĐQT mới của công ty, bà Ngọc cho biết ông Giáp cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho JVC nhưng ông Giáp đứng ở hậu phương, tham gia phòng Dự án, Kinh doanh của công ty và cũng là một trong những người kế cận.

Ông Lê Văn Giáp đã có thời điểm nắm giữ 10 triệu cổ phiếu nhưng có thời gian bị giải chấp nên số lượng nắm giữ cổ phiếu còn lại không nhiều khoảng 200.000 cổ phiếu. Theo bà Ngọc, ông Giáp có ý định mua lại cổ phần.

Định hướng kinh doanh của JVC trong tương lai

Kết quả kinh doanh trong quý I/2015 từ ngày 1/4 đến 30/6 theo báo cáo công ty tự lập khá khiêm tốn. Doanh thu quý I đạt 80 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng kế hoạch 2015 tăng bởi JVC đẩy mạnh công tác bán hàng, lấy lại hình ảnh của công ty.

Các nhà cung cấp của JVC (hầu hết từ Nhật) đã sẵn sàng giúp đỡ JVC trong lúc khó khăn và không cắt quyền phân phối. Về phía khách hàng, dự án tại Bệnh viên Bạch Mai vẫn được tiếp tục.

Bà Hồ Bích Ngọc khẳng định hoạt động của JVC đã trở lại ổn định và đang lấy lại hình ảnh của công ty. Mảng vật tư tiêu hao khá tích cực do JVC áp dụng chương trình bán hàng, khuyến mãi. Mảng bán hàng thiết bị y tế theo thầu gặp khá nhiều khó khăn nhưng không vì đó mà JVC bế tắc. JVC dự kiến sẽ bán thông qua các công ty đại lý đấu thầu.

Bà Ngọc cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm đi từ 30-35% xuống 10-15% nhưng sẽ giúp JVC giải quyết hàng tồn kho sẵn có.