[ĐHCĐ 22015] VST đặt kế hoạch lỗ trăm tỷ và chuyển sàn UPCoM

Kế hoạch lỗ 109 tỷ đồng và sẽ bán thêm 2 tàu trong năm 2015. Đồng thời sau quyết định hủy niêm yết vào ngày 08/05 của UBCKNN do lỗ 3 năm liên tiếp, VST sẽ chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 của VST diễn ra sáng ngày 16/04 tại TPHCM với sự tham gia của 69.27% số cổ phần có quyền biểu quyết.

8h45: Đại hội bắt đầu

Nợ phải trả 2,449 tỷ đồng, chiếm 87% tổng nguồn vốn

Theo tài liệu do VST cung cấp, kế hoạch doanh thu 2015 đặt ra là 1,079 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm 2014 và VST sẽ bán 2 tàu VTC Sky và Viễn Đông 3. Trong đó, tàu VTC Sky đã được bán và bàn giao cho người mua vào ngày 30/01/2015 với giá 42 tỷ đồng. Đồng thời năm 2015, VST cũng sẽ không đầu tư đội tàu mới, riêng việc đầu tư khu văn phòng chính 428 Nguyễn Tất Thành cần xem xét và đến hết năm 2015 sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Năm 2014, VST không thực hiện bán tàu mà đóng mới tàu VTC Phoenix; tàu VTC Dragon đang tiến hành thực hiện quyết toán hoàn thành; tàu SS1, SS2 quyết toán chi phí ban đầu, dự án đầu tư tàu 56,000 DWT đã bị từ chối và đang chuẩn bị thanh lý hợp đồng với Nasico.Tình hình kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn đã khiến VST thua lỗ gần 145 tỷ đồng trong năm qua.

Như vậy liên tiếp 3 năm lỗ đã đưa lỗ lũy kế của VST lên đến 369 tỷ đồng và ngày 08/05/2015 Công ty sẽ buộc phải hủy niêm yết sau hơn 5 năm gắn bó với sàn HOSE. Tính đến 31/12/2014, nợ phải trả của VST lên đến 2,449 tỷ đồng, chiếm 87% tổng nguồn vốn. Hiện đội tàu của Công ty gồm 12 chiếc, tuổi bình quân là 14.3 với tổng trọng tải là 252,268 DWT khai thác trên các tuyến đường và mặt hàng truyền thống. Tháng 8/2013, VST đã bán tàu VTC Light.

9h35: Chủ tịch Huỳnh Hồng Vũ chia sẻ, điều khó khăn lớn nhất của công ty là sức ép từ các khoản nợ ngân hàng, bên cạnh đó tồn đọng và khó khăn từ nhiều năm qua do khủng hoảng kinh tế kéo dài.

Thị trường vận tải biển hàng khô 3 tháng đầu năm 2015 cho thấy tín hiệu xấu, đặc biệt là chỉ số BHSI - chỉ số tác động trực tiếp đến kinh doanh của đội tàu handysize không có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ như các size tàu lớn như vào 6 tháng cuối năm 2014.

10h: Tổng Giám đốc Trương Đình Sơn cho hay, giá dầu chiếm 48.5% chi phí, tuy nhiên nếu giá dầu giảm 40% thì giá cước giảm 20%, khi đó công ty vẫn phải chịu lỗ tương đương năm 2014.

Giá dầu giảm do 2 nguyên nhân là nhu cầu vận tải hàng hóa giảm, cạnh tranh cao và Mỹ khai thác được thêm dầu đá phiến. Ngay từ 2 tháng đầu năm 2015, VST lỗ đã 44 tỷ đồng, tháng 3 tích cực hơn khi thu được 54 tỷ đồng, hy vọng tháng 4 sẽ tốt hơn. Do đó công ty phải chuyển 1 số tàu không có hàng sang khai thác. Cụ thể giá trị khai thác hiện tại một tàu là 6,000 USD nhưng chỉ khai thác được 2,000 USD, lỗ 4,000 USD.

Mặc dù chi phí chi ra nhiều hơn cho thuê nhưng công ty vẫn phải khai thác còn hơn là để tàu nằm yên. Giá dầu giảm là thách thức đối với công ty khi mà giá cước phải giảm mạnh hơn, bên cạnh đó nhu cầu vận tải cũng giảm do tình hình bất ổn chính trị, thời tiết trên thế giới…

Bất ổn công ty hiện còn nằm ở nợ xấu nhiên liệu, công ty mua nhiên liệu, trả nợ cũ thì còn nợ mới. Bên cạnh đó, dù giá dầu giảm, nếu công ty mua 300 USD nhưng thực chất phải trả 500 USD do phải trả thêm lương và bảo hiểm. Vừa qua VST đã bị đưa ra tòa án do nợ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, 1 công ty cung cấp dầu lớn cho VST ở Đan Mạch đã bị phá sản, tàu của công ty đang bị bắt và giam giữ.

Theo đó bức tranh năm 2015 vẫn còn đầy khó khăn trước mắt. Công ty sẽ bán tàu Sky do giá trị còn lại thấp hơn giá bán.

10h30: Đại hội thảo luận

Thù lao Ban lãnh đạo theo tiêu chí nào? Có gồm lương của Chủ tịch HĐQT không?

Thù lao trả theo năng lực cho HĐQT và Ban kiểm soát, đây là thù lao chứ không phải lương. Trước đây thù lao được tính trên tổng số thành viên, về thưởng thì tính trên hiệu quả kinh doanh. Thời gian qua công ty thua lỗ nên không có thưởng nhưng đã giảm được các khoản nợ và mức thua lỗ nên công ty có khoản thù lao này cho HĐQT và Ban kiểm soát.

Xin cổ đông phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc ưu đãi để lấy tiền cơ cấu nợ

Báo cáo của Ban lãnh đạo thì khủng hoảng từ 2008 kéo dài, hầu hết các công ty vận tải biển toàn cầu đã thua lỗ và phá sản. Từ năm 2012-2015 NHNN đã cho phép các NHTM gán nợ, không phải trả lãi đến năm 2015. Nhưng đến 2016 thì sẽ chấm dứt, như vậy với khoản gánh nặng nợ phải trả 200 tỷ đồng thì công ty không có nhiều hy vọng, vậy công ty có giải pháp gì để giải quyết khoản nợ này?

Đây là vấn đề mà công ty chưa thống nhất để trình cổ đông, tuy nhiên theo những chính sách được Nhà nước cho phép thì với 4 tàu đang gán nợ cho VDB thì VST đang tích cực trình Chính phủ cho công ty giãn nợ, xóa lãi. Đây là thuận lợi để công ty tận dụng. Với 7 tàu còn lại, theo hướng của Chính phủ và NHNN tháng tháng 8 phải xóa nợ 100%.

Công ty đang đàm phán để VAMC mua nợ, thông qua 1 công ty trung gian sẽ mua lại 70% giá thị trường tức là từ 60 -70 tỷ đồng. Trước mắt công ty không trả lãi mà xóa lãi 25 tỷ đồng, nghĩa là 1 tàu 180 tỷ đồng thì VST còn lại được 50 - 60 tỷ đồng. Như vậy còn lại 50% nợ thì VAMC sẽ cho công ty trả từ từ.

Dự báo lỗ 109 tỷ đồng năm 2015 sẽ được cân bằng nếu thương lượng được với VAMC.

Tàu Tiger và ACE tài sản còn lại 238 tỷ đồng nếu thực hiện mua bán nợ thì giá thị trường khoảng 10 triệu USD thì VAMC mua lại giá 7 triệu USD. Như vậy VST sẽ chuyển nợ từ 5 ngân hàng về tất cả cho VAMC, vấn đề là việc đàm phán và xin cổ đông phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc cổ phiếu ưu đãi để lấy tiền cơ cấu nợ. Công ty hy vọng sẽ giảm được khoảng 1,500 tỷ đồng.

Các ngân hàng sẽ bơm tiền và công ty sẽ cho họ cổ phiếu để thành cổ đông công ty hoặc công ty sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư mới. Kỳ vọng đến năm 2017, công ty sẽ giảm nợ vay, vốn tăng lên, kinh doanh có lãi thì giá cổ phiếu tăng lên.

Điều xấu nhất là bán nợ cho VAMC sẽ bị mất tàu, công ty không cần tàu nữa, cái cần là cổ đông với tỷ lệ 1 vốn 1 nợ.

VST sẽ chết từ từ

Ngày 07/05 là ngày giao dịch cuối cùng thì sau đó cổ phiếu VST sẽ giao dịch ở đâu?

Công ty sẽ chỉ giao dịch nội bộ với nhau hoặc sẽ chuyển sang sàn UPCoM, nếu Vinalines – cổ đông lớn nhất của công ty đồng ý thì sẽ chuyển xuống UPCoM.

Sau ngày 13/05 công ty sẽ đăng ký lại giao dịch sang UPCoM nếu cổ đông đồng ý và tháng 6 sẽ tiến hành giao dịch bình thường tại đây.

Chi phí lãi vay hiện nay của công ty là bao nhiêu?

Lãi vay của VST hiện nay là 270 tỷ đồng. Hiện VST đang được ngân hàng cho giãn nợ và gia hạn, nhờ đó mà công ty giảm được lỗ, nếu không công ty sẽ bị âm vốn chủ sở hữu và phá sản.

Vấn đề hiện nay là chết trước hay chết từ từ, và kiểm toán đã chấp nhận cho công ty chết từ từ. Vấn đề lãi vay hiện nay của những công ty trên 50% Nhà nước sở hữu sẽ được xem xét và xóa bỏ, do đó công ty có chiến lược để lại nợ vay để có thể xóa lãi sau này.

11h21: Chủ tịch Huỳnh Hồng Vũ cho biết đầu tháng 5 công ty sẽ thông báo chi tiết trên website cho cổ đông biết việc công ty rời sàn HOSE và chuyển sang UPCoM giao dịch như thế nào.

11h25: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình kết quả hoạt động năm 2014, kế hoạch năm 2015 và việc VST sẽ chuyển sang giao dịch sàn UpCoM trong thời gian tới.