[ĐHCĐ 2015] NTP: Chủ trương đưa Nhựa Tiền Phong miền Nam lên sàn

(NDH) Vấn đề tăng sở hữu tại Nhựa Tiền Phong miền Nam đã được NTP đưa ra từ kỳ đại hội trước. Công ty cho biết sẽ niêm yết đơn vị này, việc tăng sở hữu nhờ đó sẽ minh bạch hơn.

CTCP Nhựa Tiền Phong (mã NTP- HOSE) vừa tổ chức Đại hội ngày 8/4/2015 với sự tham gia của 237 cổ đông tham dự, đại diện cho 91,8% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 với mục tiêu 3.210 tỷ đồng doanh thu và 385 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng lần lượt 10% và 6% so với kết quả đạt được năm 2014. Dự kiến cổ tức năm 2015 là 23% vốn điều lệ mới, được chi trả bằng tiền mặt.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm tới của NTP

Với lợi nhuận sau thuế 2014 ở mức 306 tỷ đồng, NTP sử dụng 84.5 tỷ để thanh toán cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% (10% đã trả vào tháng 3/2015 và 5% dự kiến ngay sau Đại hội). Ngoài ra, công ty cũng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 10% để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, NTP lên kế hoạch phát hành thêm 5,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng vốn điều lệ từ 563,3 tỷ đồng lên 619,7 tỷ đồng.

Mục đích đợt phát hành này nhằm tái cơ cấu vốn theo hướng nâng cao tính tự chủ nguồn vốn, đảm bảo mức vốn đối ứng của chủ sở hữu khi triển khai các dự án lớn của công ty.

Chia sẻ trong đại hội, đại diện NTP cho biết công ty đang định hướng đưa Nhựa Tiền Phong phía Nam lên sàn chứng khoán và tăng tỷ lệ sở hữu. Công ty cho biết Nhựa Tiền Phong phía Nam đang hoạt động rất tốt về các chỉ tiêu.

Hiện NTP vẫn đang tiêu thụ trong nước là chính, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 1%, hướng tới các thị trường Lào, HongKong, Úc, New Zealand.

Về việc hạt nhựa, nguyên liệu đầu vào của NTP đang giảm giá mạnh từ cuối năm 2014 nhưng nếu so với thời gian trước thì mức giảm ít do cuối năm 2013 và đầu năm 2014, giá nguyên liệu nhựa đã tăng 3%.

Khi giá hạt nhựa giảm, công ty đã mua dự trữ nhưng đến khoảng cuối quý I/2015 mới đưa vào sản xuất. Hiện tại công ty chưa giảm giá sản phẩm, do độ trễ của việc giảm giá hạt nhựa.

Khi cổ đông chất vấn đề vấn đề tại sao biên lợi nhuận của NTP thấp hơn đối thủ là Nhựa Bình Minh (BMP), đại diện công ty chia sẻ hiện NTP đang đầu tư rất lớn nên dẫn đến chi phí tăng cao. Những năm qua, cổ tức của NTP trả rất cao trong khi cổ tức của BMP trong giai đoạn này lại thấp. NTP phải vay ngân hàng, trong khi BMP có nguồn vốn lớn do trả cổ tức thấp.

NTP đang phải chịu cạnh tranh mạnh trên thị trường miền Bắc, bên cạnh đó chính sách bán hàng thưởng 3% để giữ thị pần đã làm tăng chi phí bán hàng. Tuy nhiên nhờ chính sách này, thị phần bán hàng của NTP đã tăng trở lại. Trong khi đó, thị trường miền Nam đã tương đối ổn định và phân hóa tương đối rõ ràng. Những chính sách này đều ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.